Ngày Đăng: 28 Tháng 09 Năm 2014 Bắt đầu được khán giả biết đến từ giải Chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ mùa đầu tiên - 2006, Hồ Ngọc Trinh nhanh chóng trở thành một tên tuổi quen thuộc của khán giả cải lương (CL).
Khán giả Long An - quê hương Hồ Ngọc Trinh nhớ cô đào trẻ với hàng loạt vai diễn: cô Năm Điền (Nghĩa sĩ Cần Giuộc), Cao Thị Anh Thơ (Lời thề trước miễu), Yến Nương (Kép hát làm vua), Út Hồng (Phố an cư), Thảo (Hoa tình nở muộn), Quyên Quyên (Kẻ bạc tình), Trang (Hai mảnh tình quê)… Khán giả CL cả nước cũng thường xuyên “gặp” Hồ Ngọc Trinh ở các chương trình CL truyền hình, phim truyện CL…
Trong các chương trình Ngân mãi Chuông vàng của Đài Truyền hình TP.HCM, Hồ Ngọc Trinh là một trong những tên tuổi luôn được tin tưởng giao phó vai diễn quan trọng: Ái Lan (Chiều đông gió lạnh về), Xuyên Lan (Tiếng hạc trong trăng), Hiếu (Khách sạn hào hoa), Thương (Sợi dây đay), bà Dung (Biển lòng của mẹ)…
Với vẻ đẹp dịu dàng, giọng ca ngọt ngào, truyền cảm và diễn xuất chững chạc, bản lĩnh, Hồ Ngọc Trinh có rất nhiều lợi thế khi đảm nhận những vai đào thương. Điểm khác biệt ở Hồ Ngọc Trinh so với một số diễn viên trẻ khác là cách khai thác tính cách, nội tâm nhân vật để mang lại những dấu ấn riêng cho vai diễn. Cô đào thương này còn khiến khán giả bất ngờ với những vai không thuộc sở trường: nữ chúa tọa Mã Sơn (Khi rừng mới sang thu), Lý Chiêu Hoàng (trích đoạn Độc thoại đêm), Thái hậu Dương Vân Nga (trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga)… Gần 15 năm theo nghề, Hồ Ngọc Trinh đã sở hữu bộ sưu tập huy chương (HC) là mơ ước của nhiều nghệ sĩ trẻ: Chuông bạc cuộc thi Chuông vàng vọng cổ 2006, HCV triển vọng giải Trần Hữu Trang 2007, hai HCV cá nhân tại Liên hoan sân khấu CL toàn quốc (2009, 2012), HCV dành cho diễn viên trẻ xuất sắc (2012), HCB Liên hoan Tài năng trẻ sân khấu CL và dân ca kịch 2014…
Thế nhưng nếu Hồ Ngọc Trinh không tự “thú nhận”, ít ai ngờ suốt thời thơ ấu cô chỉ mê ca nhạc và mơ có ngày được trở thành ca sĩ. Năm 2001, lần đầu tiên Đài Truyền hình Long An mở cuộc thi Giọng ca CL, một người chú vốn là tài tử đờn đã thuyết phục Hồ Ngọc Trinh “thử sức”. Giải nhất cuộc thi Giọng ca CL truyền hình 2001 đã đưa Hồ Ngọc Trinh đến một ngã rẽ mà chính cô cũng bất ngờ. Hồ Ngọc Trinh là một trong số hiếm hoi những nghệ sĩ CL của miền Tây Nam bộ tìm được cho mình một vị trí nhất định trong đời sống CL TP.HCM.
Thời gian này, lịch làm việc của Hồ Ngọc Trinh kín mít với những chương trình biểu diễn, thu hình tại TP.HCM và Long An: tập lại vở Phố an cư để ghi hình, tham gia biểu diễn với Đoàn nghệ thuật CL Long An, luyện tập và biểu diễn trong chương trình Ngân mãi Chuông vàng, Vầng trăng cổ nhạc, thu âm cho chương trình xuân của Bến Thành Audio & Video, làm phim truyện CL truyền hình với hãng phim Tây Đô…
* Lịch dịch chuyển liên tục giữa Long An và TP.HCM của chị là ước mơ của nhiều đồng nghiệp ở tỉnh, chị có thừa cơ hội để “đầu quân” cho TP nhưng sao vẫn gắn với Long An?
Nghệ sĩ Hồ Ngọc Trinh: Long An là nơi tôi sinh ra và lớn lên. Đoàn Nghệ thuật CL Long An là nơi đầu tiên mở cánh cửa đón tôi vào với sân khấu CL. Ở đây, tôi cũng có những người thầy đầu tiên tận tình hướng dẫn để tôi lớn lên trong nghề và có được vị trí như hôm nay. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn được tạo mọi điều kiện tốt nhất để làm nghề. Suốt cuộc đời này tôi sẽ không bao giờ quên nghĩa tình ấy.
* Không mê CL nhưng giờ lại là một trong những nghệ sĩ trẻ rất “đắt sô”, có lẽ chị là trường hợp cá biệt?
- Câu nói “người không chọn nghề mà nghề chọn người” rất đúng trong trường hợp của tôi. Rất nhiều lần tôi tự hỏi phải chăng tổ nghiệp thương mình nên chọn cho con đường sinh ra để được gắn với sân khấu. Ba mẹ tôi sống ở vùng quê vốn thích nghe CL, nhưng chưa bao giờ nghĩ có ngày con mình sẽ trở thành nghệ sĩ. Nhà có chín anh chị em nhưng chỉ duy nhất tôi theo nghề. Sân khấu CL, với tôi, là một ngã rẽ bất ngờ nhưng đầy may mắn và hạnh phúc. Tôi đến với nghề như tờ giấy trắng. Có lẽ vì vậy những nét vẽ đầu tiên trên trang giấy trắng ấy tinh khôi hơn, rõ nét hơn và sâu đậm hơn.
* Điểm lại gần 15 năm làm nghề, con đường chị đi hình như chỉ toàn hoa hồng?
- Cám ơn tổ nghiệp đã cho tôi rất nhiều cơ may trong nghề nghiệp, đó là một trong những yếu tố rất quan trọng dẫn người nghệ sĩ đến thành công. Nhưng thành công không chỉ cần có tài năng và may mắn mà còn đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng không ngừng của bản thân. Đã làm nghề, đã dự thi liên hoan, hội diễn… chắc chắn ai cũng mơ ước mình được giải thưởng. Nhưng tôi dễ rơi vào trạng thái căng thẳng nếu nghĩ đến chuyện thi cử và giải thưởng. Nói nghe dễ dàng, nhưng gần 15 năm gắn với nghề tôi cũng phải vượt qua không ít khó khăn, trong đó có việc vượt qua chính mình. Thành công sớm, nhiều may mắn trong nghề nghiệp dễ khiến con người rơi vào tâm lý tự mãn. Trong nghệ thuật điều này càng nguy hiểm hơn gấp bội vì nó dẫn người nghệ sĩ đến ngõ cụt.
* Vốn quen với chị qua hình ảnh những phụ nữ chịu nhiều bất hạnh, khán giả rất bất ngờ với Thái hậu Dương Vân Nga của chị ở Liên hoan tài năng trẻ sân khấu vừa diễn ra tại Cần Thơ tháng 6/2014...
- Tôi từng mơ ước được một lần hóa thân thành Thái hậu Dương Vân Nga nhưng mãi đến cuộc thi tài năng trẻ sân khấu 2014 mới tìm được cơ hội. Chọn trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga với lớp diễn cả kinh thành để tang cho Hoàng đế Đinh Tiên Hoàng, nước nhà trong cơn biến loạn, thù trong giặc ngoài, ấu chúa lại mất tích… có ý kiến cho rằng tôi đã chọn một vai quá sức mình. Thử thách đầu tiên tôi phải vượt qua là vũ đạo, vì tôi vốn chỉ đóng tuồng xã hội, trong khi nhân vật đòi hỏi diễn viên phải rất giỏi về trình thức sân khấu và phải biết phối hợp để mỗi động tác vũ đạo phải xuất phát từ tâm lý nhân vật chứ không phải chỉ là… múa minh họa.
Thần thái, sự mạnh mẽ, uy quyền của một thái hậu cũng là thách thức không nhỏ. Thể hiện nỗi đau mất chồng, con thơ lưu lạc, nhưng nỗi đau đớn đó không thể bi lụy mà phải được kìm nén để hóa thành lòng căm thù và ý chí sắt đá. Rất may mắn, tôi được NSND Bạch Tuyết, người rất thành công với vai diễn Thái hậu Dương Vân Nga hướng dẫn tận tình. Vai diễn được trao HCB, nhưng tôi còn một hạnh phúc khác, đó là đã dám vượt lên chính mình và được trải nghiệm, tích lũy những bài học quý giá cho nghề nghiệp.
* Hiện nay một vở CL chỉ diễn được vài suất, điều này khiến không ít nghệ sĩ có suy nghĩ thời gian tập luyện là lãng phí. Chị có nghĩ vậy?
- Tôi rất sợ phải xuất hiện trên sân khấu khi không có đủ tự tin vào bản thân. Nếu mình còn không tin mình thì làm sao để khán giả tin và yêu thương nhân vật mình đang thể hiện. Cách duy nhất để tôi có đủ tự tin là phải tập luyện để không bị cũ kỹ, nhàm chán trong mắt khán giả.
* Nhưng làm nghệ sĩ cũng giống làm dâu trăm họ, đôi khi một vở diễn, một nhân vật hay hoặc dở lại tùy thuộc rất nhiều vào cảm xúc của khán giả?
- Tôi từng trải qua những cảm xúc khác nhau trước sự khen chê của khán giả, dư luận. Có lúc hạnh phúc ngút trời, nhưng cũng có khi cảm thấy sốc đến đứng tim. Nhưng với trải nghiệm của bản thân, kinh nghiệm của gần 15 năm làm nghề, tôi tỉnh táo hơn trước những lời khen chê. Sau mỗi vở diễn, tôi có thói quen kiểm tra lại để biết hôm nay mình làm tốt chỗ nào, có chỗ nào chưa tốt, chưa đầy đặn cảm xúc và tự lý giải nguyên nhân. Do vậy, khi đọc hoặc nghe những lời nhận xét, tôi phần nào phân biệt được điều nào mình cần chú ý để sửa chữa hoặc phát huy, điều nào chỉ là tham khảo thêm để đừng bị ngộ nhận hoặc rơi vào cảm xúc tiêu cực.
* Một số đồng nghiệp nhận xét chị thuộc mẫu người kín đáo, ít giao tiếp, ít hội họp bạn bè. Nhận xét này đúng hay sai?
- Tôi là người hướng nội, thích được một mình yên lặng suy nghĩ hơn là đến những nơi ồn ào, náo nhiệt. Sống tự lập từ năm 17 tuổi, tôi phải tự lo liệu, xoay xở trong mọi tình huống. Có lẽ đây là lý do khiến tôi có thói quen ít chia sẻ với người khác, kể cả những người thân trong gia đình. Không phải vì tôi không có đủ sự tin cậy mà một phần tôi đã quen tự mình giải quyết vấn đề. Hơn nữa tôi lo những người mình yêu thương buồn lây nỗi buồn của tôi.
Tôi rất sợ phải xuất hiện trong những sự kiện có nhiều người nổi tiếng. Diễn trước hàng ngàn khán giả tôi không run, mà chỉ cần vừa bước vào nơi tổ chức tiệc tùng, sự kiện… tôi cứ chân nọ đá chân kia, đi đứng không vững. Một vài lần như vậy tôi thấy tốt nhất mình nên ở nhà. Bước xuống sân khấu, tôi muốn được trà trộn vào đám đông, được mọi người nhìn nhận như tất cả những người phụ nữ bình thường khác. Nếu bị “phát hiện” hoặc bị nhìn như một nghệ sĩ tôi cũng cảm thấy lúng túng, nói chuyện mất tự nhiên. Có lẽ vì vậy nên một vài lần tôi bị nhận xét là… chảnh!
* Đã có lần chị thử sức với phim truyền hình, nhưng lại mất hút?
- Tôi thử và nhanh chóng nhận ra rằng mình chỉ có một đam mê duy nhất, đó là CL.
* Phải chăng chị gắn với CL vì dù khó khăn, nhưng đó cũng là nghề dễ nổi tiếng và có thể kiếm được tiền?
- Có lẽ vì lớn lên từ ruộng đồng nên quan niệm sống của tôi cũng đơn giản: nếu cảm thấy yêu thích thì hãy sống hết mình với nó. Đừng đặt nặng suy nghĩ sẽ được lợi gì, sẽ phải hy sinh những gì. Tôi không thể nói một cách chính xác mình bắt đầu yêu nghiệp tổ từ khi nào. Chỉ biết tình yêu đó đến với tôi rất nhẹ nhàng và được vun đắp từng ngày, từng giờ. Đến bây giờ, chỉ cần nghe tiếng đàn, chỉ cần được đứng dưới ánh đèn sân khấu và hóa thân vào vai diễn, mọi mệt nhọc, buồn lo nhanh chóng tan biến. Công việc nào cũng vậy, khi đặt toàn bộ tâm trí và nỗ lực thì mình đã được thêm rất nhiều thứ: được thỏa mãn đam mê, được học thêm nhiều bài học giá trị và quan trọng nhất được là chính mình, được bay bổng với những giấc mơ...
* Có phải vì chị đang còn mãi bay bổng với những giấc mơ nên quên mất chuyện chồng con?
- Trút bỏ lớp hóa trang, bước lùi phía sau ánh đèn sân khấu, tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, cũng có những giấc mơ rất giản dị đời thường. Nhưng chuyện chồng con còn là duyên số, không tùy thuộc vào mong muốn chủ quan của mình. Thôi thì cứ để mọi điều diễn ra theo sự sắp xếp của số phận. Hơn nữa, với tôi, chuyện gia đình, chồng con… là những điều rất riêng tư, tôi muốn được giữ tất cả những điều ấy cho riêng mình, ở một góc yên bình.
Sources: phunuonline |