Ngày Đăng: 29 Tháng 03 Năm 2015 Sân khấu kịch Sài Gòn thời gian qua thu hút đông người xem với một loạt những kịch bản do NS Hữu Nghĩa làm đạo diễn như: Đứa bé triệu đô la, Người tình tuổi Sửu, Thám tử siêu hạng, Duyên hay nợ… Điều này đã minh chứng một bước tiến mới của anh trong sự nghiệp nghệ thuật từ sau khi anh tốt nghiệp Đại học đạo diễn.
Việc Hữu Nghĩa mát tay dàn dựng thể loại kịch hài phê phán, nhất là những câu chuyện có độ rung xã hội và tạo được sự bất ngờ vào đoạn kết, là niềm vui của những thầy cô dìu dắt anh. NSUT đạo diễn Đoàn Bá - thầy của anh tâm sự: “NS Hữu Nghĩa nhanh chóng nắm bắt tâm lý nhân vật, có nhiều kinh nghiệm trong việc quăng bắt tiếng cười với nhiều thể loại: náo kịch, kịch sinh hoạt, kịch dân gian, kịch hài cổ điển…nên khi bắt tay làm công tác đạo diễn, anh thật sự có được chính kiến riêng để xâu chuỗi tâm lý nhân vật, tạo nền tảng tư tưởng của vở rất tốt. Tôi rất mừng về người học trò đã trưởng thành này”.
Phải thừa nhận ở NS Hữu Nghĩa tố chất ham học hỏi thông qua các cách diễn từ nhiều thể loại kịch đã cho anh ưu thế trong dàn dựng. Anh đã từng diễn vở Tên bịp bợm thành Vơ -ni; Con cáo và trùm nho, Romeo và Juliet (kịch cổ điển), Ba Giai - Tú Suất, Tấm Cám, Ngao sò ốc hến, Súy Vân giả dại (kịch dân gian)…và rất nhiều vở kịch truyền hình nên sự quan sát giúp anh đào sâu kinh nghiệm diễn xuất và quáng xuyến đường dây tính cách các nhân vật cho công tác đạo diễn.
Sau khi tốt nghiệp Đại học đạo diễn, anh có thời gian về trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh TPHCM làm giáo viên phụ giảng, rồi đứng lớp chủ nhiệm. Đó là giai đoạn mà Hữu Nghĩa làm nhiều vở diễn cho sân khấu học đường. Anh nói: “Tôi học ở các em chất thanh xuân trong việc tạo mảng miếng cho những vở hài. Suy nghĩ của các em tươi trẻ, hồn nhiên nên dễ dàng tạo được tiếng cười trong sáng”.
Vở Đứa bé triệu đô la diễn hơn 160 suất, thu hút khán giả bởi chất hài được đẩy đến đỉnh điểm. Trong cách dàn dựng khán giả nhận thấy bàn tay đạo diễn đã ráp nối rất ăn ý những mảng miếng hài mà chính anh là người sáng tạo. Vở Duyên hay nợ lại mang một sắc thái mới trong cách dựng của Hữu Nghĩa, đó là nhấn mạnh yếu tố hiểu lầm, rồi chuyển sang lý giải, mà mỗi tình huống đều tạo được tiếng cười thú vị. Vở Người tình tuổi Sửu cũng vậy, hết sức dí dỏm và hồn nhiên, bởi tiếng cười duyên dáng bộc phát từ các tuyến nhân vật trong kịch. Khán giả không ngớt cười khi nhìn thấy Hữu Nghĩa vào vai anh chàng đa tình tuổi Sửu, lại bất ngờ khi đó là một vở kịch do Hữu Nghĩa đạo diễn.
Trước đây, khi chưa bắt tay dàn dựng anh thường chọn cách diễn ngẫu hứng, có lúc diễn “quên mất đường về” - anh thú nhận, nhưng rồi sau này khi đã học đạo diễn, đã kinh qua nhiều vở, tôi biết không nên diễn cương, diễn ẩu mà phải trung thành với kịch bản, với nhân vật của mình. Hài kịch một thời bị lên án do diễn tạm nham, không chuyên nghiệp, tôi hiểu điều này nên góp phần nhỏ bé của mình để chấn chỉnh lại. Mừng là bốn vở tôi dàn dựng đều được đồng nghiệp đánh giá tốt, khán giả khen ngợi. Đó là niềm động viên để tôi đi tới nữa khi chọn dàn dựng những vở hài mang tính phê phán, châm biếm”.
Sources: sankhau |