Ngày Đăng: 21 Tháng 07 Năm 2011 Sân khấu mất một nụ cười đôn hậu
Không chỉ ngoại hình hiền lành, phúc hậu, ngoài đời Nguyên Hạnh cũng là một nghệ sĩ sống tình cảm, nhân hậu. Nét hài của ông nhẹ nhàng, tự nhiên, với nụ cười đôn hậu nên gần gũi, dễ đến gần tình cảm khán giả…
Lúc 19 giờ ngày 13-11 - 2011, nghệ sĩ lão thành Nguyên Hạnh đã mất vì bệnh nặng tại BV 115, để lại nhiều tiếc thương cho đồng nghiệp và khán giả.
Từ ông Tư văn nghệ…
Sinh năm 1940, tại Sài Gòn, vào nghề từ rất sớm, Nguyên Hạnh là một nghệ sĩ quen thuộc với khán giả cả trước và sau 1975, đặc biệt là trên màn ảnh nhỏ. Con đường đến với nghề của ông bắt đầu từ một tiệm hớt tóc. Lúc mới học xong lớp đệ tứ, chàng thanh niên Nguyễn Văn Hạnh đã phải làm nghề sửa xe máy để phụ giúp gia đình. Gần tiệm Hạnh làm có tiệm hớt tóc mà chủ là một nhạc sĩ cho ban nhạc tài tử nên giới đàn ca tài tử và cải lương thường xuyên lui tới. Anh chàng Hạnh vốn mê đờn ca nên thường lân la đến đây và được dạy rành bài bản cải lương, trở thành thành viên ca hát của nơi này. Vì mê nghề và có khiếu nên Hạnh được soạn giả cải lương nổi tiếng Loan Thảo giới thiệu cho ban cải lương Vân Kiều của nghệ sĩ nổi tiếng Tám Vân, để rồi chính thức bước vào nghề với nghệ danh Nguyên Hạnh.
Ban Vân Kiều chuyên thu cải lương cho đài truyền hình, Nguyên Hạnh với khả năng diễn xuất đa năng, vai bi, hài, độc, lẳng… đều đóng được, dần dần nhận được sự tin tưởng của các trưởng ban đài truyền hình bấy giờ. Sau đó Nguyên Hạnh đã được mời diễn trong nhiều show thu hình của các ban cải lương Kim Hoàng - Như Mai, Bích Thuận; các ban kịch Kim Cương, Túy Hồng, Thẩm Thúy Hằng, La Thoại Tân, Vân Nam, Phương Nam…
Soạn giả Nguyễn Phương cho biết giai đoạn này, Nguyên Hạnh gây được dấu ấn với vai Tư văn nghệ trong chương trình truyền hình định kỳ Gia đình ông Ký, cùng với các nghệ sĩ Tám Vân, Kim Cúc, Minh Chánh, Tú Trinh, Thanh Việt, Diễm Kiều, Ngọc Đức. Nguyên Hạnh được nhớ đến trong vai Tư văn nghệ, vui tính, hồn nhiên, trung thực và hay bênh người thế cô bên cạnh nghệ sĩ hài Thanh Việt trong vai Năm giang hồ thường say xỉn nhưng có lòng tốt cùng nhau mang tiếng cười đến cho khán giả.
… Đến một nghệ sĩ hài đáng kính
Những năm đầu sau 30-4-1975, nghệ sĩ Nguyên Hạnh từng tham gia những đoàn cải lương lớn như Sài Gòn 1, 2-84 rồi Đoàn kịch Bông Hồng… Sân khấu lao đao, các đoàn lần lượt giải thể, Nguyên Hạnh thăng trầm theo nghiệp dĩ. Để kiếm sống, ông chuyển sang đóng video cải lương, đóng phim mì ăn liền rồi đi lồng tiếng, đi tấu hài cho các tụ điểm tại TP.HCM và các đại nhạc hội khắp miền Tây…
Bôn ba nhiều nhưng khán giả sau 1975 vẫn biết nhiều đến Nguyên Hạnh cũng qua màn ảnh nhỏ. Vai ông nhà buôn tham tiền “đả cựu nghinh tân”, cha của thầy Minh trong vở cải lương nổi tiếng Tô Ánh Nguyệt do Nguyên Hạnh thủ diễn trong lớp đối chọi với ông nhà Nho hẹp hòi “thủ cựu bài tân” do nghệ sĩ Diệp Lang diễn xuất đã in sâu trong trí nhớ của nhiều thế hệ khán giả khi vở diễn được phát truyền hình. Những vai diễn ở chương trình truyền hình “Trong nhà ngoài phố” liên tục suốt khoảng hơn 10 năm của Nguyên Hạnh cũng khiến ông trở nên gần gũi, khó quên với công chúng. Khó có thể kể tên những vai diễn “Trong nhà ngoài phố” của Nguyên Hạnh (cũng như nhiều nghệ sĩ nổi tiếng khác) vì đặc trưng của thể loại này là tính thời sự chứ kịch tính, tâm lý nhân vật không sâu, song nói đến nét diễn, loại vai của Nguyên Hạnh là khán giả có thể nhận ra ngay. Ông để lại ấn tượng sâu với dạng vai người thị dân hiền lành, trung hậu, nhiệt tình như vai Tư văn nghệ trước 1975.
Không chỉ ngoại hình hiền lành, phúc hậu, ngoài đời Nguyên Hạnh cũng là một nghệ sĩ sống tình cảm, nhân hậu. Ông bầu Kịch Sài Gòn - nghệ sĩ Phước Sang nhớ lại khoảng thời gian từ năm 1994 đến 2000, nghệ sĩ Nguyên Hạnh diễn ở sân khấu của mình: “Nghệ sĩ chúng tôi ấn tượng nhất về chú Nguyên Hạnh là chú có một nụ cười rất đôn hậu, ấm áp. Khi tập kịch, giữa các nghệ sĩ với nhau luôn có những bất đồng tranh luận về vở diễn, nhân vật có khi dẫn đến căng thẳng. Những lúc đó, nụ cười của chú Nguyên Hạnh luôn xoa dịu mọi người và giải tỏa tình hình. Chúng tôi đều gọi chú bằng bố. Những lúc xung đột chú thường nhẹ nhàng nói: “Con ơi, bố thấy như vầy, như vầy….” là ai cũng thoải mái. Chú làm việc cũng rất tận tâm, hết mình và hết lòng chỉ dẫn cho diễn viên trẻ. Mất chú, làng hài mất một nghệ sĩ hài đáng kính, mất một nụ cười đôn hậu xoa tan ưu phiền!”.
Vai diễn gần nhất mà khán giả còn có thể tiếp cận rộng rãi đến diễn xuất của nghệ sĩ Nguyên Hạnh là vai ông nội của nhân vật nữ chính tên Phụng do Minh Hằng thủ diễn trong bộ phim truyền hình được mọi người yêu thích Gọi giấc mơ về.
Khoảng hơn năm năm trở lại đây, nghệ sĩ Nguyên Hạnh vắng hẳn trên sân khấu do sức khỏe yếu. Song lòng ông lúc nào cũng canh cánh với sân khấu - nhất là cải lương. Ông luôn quay quắt với tình trạng cải lương sa sút và luôn mong có một ngày cải lương được phục hồi để ông lại được đứng trên sàn diễn. Riêng trước đó nữa, khi sức khỏe còn tốt, ông luôn hăng hái khi được mời tham gia những vở cải lương của thế hệ vàng được phục dựng với ý nghĩa từ thiện.
Sources: dacohoailang |