Ngày Đăng: 01 Tháng 05 Năm 2015 Vở diễn mới trên sân khấu TP HCM lột tả một góc đời cay đắng của người nghệ sĩ sau ánh hào quang sân khấu.
Nghệ sĩ Việt Anh vốn rất quen thuộc trong những vai già, vai người có số phận bi đát hoặc kiểu nhân vật hài hước tếu táo. Nhưng mỗi lần nhìn thấy ông xuất hiện sân khấu hay màn ảnh, khán giả vẫn không thấy chán mà ngược lại còn thích thú với nét diễn có chiều sâu của người nghệ sĩ gắn bó máu thịt với nghiệp diễn.
| Trung Dũng (trái) vai giáo sư Nguyên và NSƯT Việt Anh vai đạo diễn Nam Vân. Ảnh: Thất Sơn. |
Trong vở diễn mới Rạo rực ở Sân khấu kịch 5B Võ Văn Tần, hình ảnh đạo diễn Nam Vân tuổi xế chiều, phải chống gậy mới đi được và thở hổn hển khi leo những bậc thang để lên tầng 9 căn hộ nhỏ được Việt Anh thể hiện vừa hài hước vừa mang nhiều ý nghĩa chua cay. Vị đạo diễn này cùng hai cô con gái (do diễn viên Cát Tường và Mai Mai thể hiện) sống một cuộc đời thanh bạch của những người nghệ sĩ, không tham vọng về tiền tài, danh phận. Nhưng họ lại chịu thiệt thòi vì ánh hào quang. Tham vọng của cuộc sống phá vỡ hạnh phúc một gia đình nhỏ.
Quá yêu nghề và lăn xả với sân khấu, đạo diễn Nam Vân phải trả giá trong đời sống riêng khi người vợ ông thân yêu bỏ ông để đến với người bạn thân của gia đình: giáo sư Nguyên (diễn viên Trung Dũng). Cảnh diễn hay nhất vở có lẽ là cảnh đối đầu giữa giáo sư Nguyên và đạo diễn Nam Vân khi vị giáo sư này một mực muốn ngăn chặn một kịch bản viết về mặt trái của cuộc đời ông sắp sửa được dựng lên sân khấu. Hai người đàn ông xung khắc nhau cùng ngồi uống trà và đấu với nhau trong từng câu thoại để mỗi người bảo vệ lý lẽ sống của riêng mình.
Một bên đầy thực dụng, phũ phàng và xem thường giới văn nghệ sĩ. Còn một bên sống vì lý tưởng và niềm đam mê nghệ thuật, giữ vững niềm tin vào những chân giá trị. Vấn đề nghe có vẻ lớn lao lại được Việt Anh diễn nhẹ nhàng, hóm hỉnh. Ông dẫn dắt được diễn viên Trung Dũng cùng mình tung hứng những mảng miếng khiến người xem có thể bật cười thích thú.
Nghệ sĩ Việt Anh không chỉ là diễn viên lớn tuổi nhất trong vở mà gần như là "linh hồn" của tác phẩm. Nhân vật đạo diễn Nam Vân do ông thể hiện thu hút khán giả theo dõi, cùng đi sâu vào bí mật tình cảm của người đàn ông hết mực yêu thương nhưng bù lại chỉ nhận được sự phản bội.
| Cát Tường trong vai Lý, người yêu của anh chàng Bảy giang hồ (Lê Vinh). Ảnh: Thất Sơn |
Dù diễn xuất của nghệ sĩ Việt Anh là chất keo kết dính các nhân vật trong vở diễn, kịch Rạo rực vẫn khiến khán giả nuối tiếc vì được xây dựng trên kịch bản còn non, với không ít tình tiết khiên cưỡng, rời rạc.
Tác phẩm sân khấu dài hơn 2 giờ của đạo diễn Lý Khắc Lynh đề cập những vấn để khá lớn trong mối quan hệ giữa những thành viên trong gia đình, giữa gia đình với xã hội cũng như các giá trị đạo đức nền tảng. Tuy vậy, ngoài nhân vật Nam Vân, các tuyến nhân vật khác trong vở được khắc họa chưa sâu, chưa lột tả được hết bi kịch số phận mà họ đang mang.
Giáo sư Nguyên là hình ảnh nhân vật phản diện duy nhất của vở nhưng các chi tiết của kịch chưa đủ để khắc họa con người ích kỷ, tham lam, phản trắc này. Từ đầu đến cuối, khán giả chỉ thấy ông luôn lo lắng sợ bị phanh phui bí mật, nhưng rốt cuộc cũng chẳng hiểu đó là bí mật gì ngoài việc vợ của người bạn ông bỏ chồng để yêu ông.
Vai anh chàng Bảy giang hồ của diễn viên Lê Vinh và nam biên kịch trẻ của diễn viên Trọng Nhân khá nhạt. Nhạt không hẳn vì diễn viên diễn chưa tới cảm xúc của nhân vật mà là vì các chi tiết, tình huống kịch nghèo nàn, chưa đủ để họ tung tẩy. Người xem chưa thấy được bản chất giang hồ của Bảy mà chỉ thấy anh này khá hiền và ủy mị trong chuyện tình cảm với Lý. Khán giả cũng như không hiểu vì sao nhân vật chàng biên kịch trẻ lại có thể nắm được những câu chuyện "thâm cung bí sử" của giáo sư Nguyên để viết một kịch bản về cuộc đời ông này.
| Từ trái qua: diễn viên Kim Khánh, đạo diễn Lý Khắc Lynh, nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên và họa sĩ thiết kế sân khấu KimB trong buổi ra mắt vở ngày 27/4. Ảnh: Thất Sơn |
Sau một thời gian dài vắng bóng, diễn viên Kim Khánh tái xuất với vai bà Liên, người đàn bà bất hạnh trong Rạo rực. Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhân vật này ban đầu khá mờ nhạt dẫn đến việc cuối vở, khi bà Liên đau đớn đến ngây dại vì hứng chịu hậu quả của sự phản bối, cảm xúc của nhân vật không truyền đến được người xem.
Kịch công diễn từ ngày 30/4 tại Nhà hát kịch - Sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, TP HCM.
Sources: vnexpress |