Ngày Đăng: 18 Tháng 01 Năm 2009 Nghệ sĩ Trường Sơn là gương mặt nổi bật trên sân khấu tuồng cổ (trước gọi là hồ quảng).
Mười mấy năm trước, tôi đi tìm Trường Sơn, loanh quanh trong con hẻm của đình Cầu Quan, đường Yersin, quận 1, TP.HCM. Căn nhà của ông hiện ra, bé tẹo, cha con chồng vợ đùm bọc nhau mà sống. Thật ra, đó chỉ là khu sân đình được ngăn ra bằng những lớp ván mỏng để chia ranh giới “căn hộ”, và những người đang tá túc trong các căn hộ đó là những nghệ sĩ, con cháu, hoặc công nhân một thời của đoàn Minh Tơ – Khánh Hồng lừng lẫy. Ngay cả Bạch Long cũng có một căn ngăn hẳn trong lòng ngôi đình cũ kỹ. Giờ trở lại, Bạch Long đã thuê nhà khác ở, còn Trường Sơn sửa lại căn hộ khang trang hơn. Nhưng vẫn là ở tạm, chờ giải tỏa rồi… tính. Ông nói thiệt tình: “Cũng đâu có tiền sửa. Mấy khán giả tới chơi, thấy tội nghiệp, hùn nhau lại giúp tôi. Tôi gom thêm một số nữa, làm đại. Nhờ vậy mà thoáng mát một chút”.
| Trường Sơn (vai Triệu Đà), Kim Tử Long (vai Trọng Thủy) trong vở Chiếc áo thiên nga – Ảnh: M.Châu |
Mảnh đất ấy ông đã ở từ khi mới chào đời vào năm 1950, tuổi Canh Dần. Cha ông là nghệ sĩ Bảy Đực, tay trống rất giỏi của đoàn hát bội Vĩnh Xuân – Khánh Hồng, rồi tiếp luôn là đoàn hồ quảng Minh Tơ – Khánh Hồng. Mỗi ngày ông nghe lời ca tiếng hát rót bên tai, rồi tham gia đoàn Đồng Ấu Minh Tơ, được thầy Minh Tơ dạy từng điệu bộ, cách ca. Bạn nhí của ông là những Bửu Truyện, Thanh Tòng, Thanh Loan, Xuân Yến… con nhà nòi của dòng họ Minh Tơ. Một lớp trẻ bắt đầu tỏa sáng, đặc biệt Trường Sơn, Thanh Tòng thành công rực rỡ trong các vai kép võ như Lữ Bố, Triệu Tử Long, Quan Công, Châu Du, Tống Nhân Tôn…
Năm 1972, tuồng hồ quảng được ái mộ trên đài truyền hình và bán vé ào ào tại sân khấu, thì Trường Sơn là một trong những cái tên ăn khách. Sau giải phóng, ông phải chạy xe ôm một thời gian, nhưng khi đoàn Minh Tơ có giấy phép biểu diễn trở lại thì ông tiếp tục tỏa sáng với hàng loạt vai như Bao Công (Bao Công vô lò gạch), Lý Đạo Thành (Câu thơ yên ngựa), Tô Hiến Thành (Tô Hiến Thành xử án), Phạm Cự Chích (Bão táp Nguyên Phong)…
Mới đây, vở Chiếc áo thiên nga cũng mời ông đóng vai Triệu Đà. Ông dốc hết sức lực cho những lớp chạy nhảy, tiến công, vũ đạo cứ phải mạnh mẽ, liên tục. Người quen lẫn khán giả đều đứng tim với ông, nhưng cũng thán phục một nghệ sĩ hết lòng vì sân khấu, không bao giờ làm qua loa, hời hợt. Thậm chí bây giờ đi diễn trích đoạn nào có những trình thức căn bản thật khó trong tuồng cổ, như nhảy ngồi lên ghế, ông cũng không từ nan. Chỉ những người giỏi nghề mới luyện được những động tác nguy hiểm ấy. Tuổi già, nhưng tình yêu sân khấu vẫn không già.
Đại gia đình nghệ sĩ hạnh phúc
Ông là chồng của cô đào Thanh Loan, nghĩa là rể của nghệ sĩ Minh Tơ. Hai người sinh ra ba cô con gái Ngọc Trinh, Tú Sương, Thanh Thảo đều theo cải lương. Chưa kể hai con với người vợ trước (cô đào Thanh Ngọc) là Tuấn Sang, Thanh Uyên cũng nối nghiệp mẹ cha. Như vậy, gia đình ông đóng góp vào gia phả của nghệ sĩ Thành Tôn, Minh Tơ, Khánh Hồng đến đời thứ 5. Mới đây, khi phát hiện cô bé Hồng Quyên, con của Tú Sương, cũng ca hát rất say mê, thì ông tràn trề hy vọng cải lương sẽ truyền đến đời thứ 6.
Thanh Loan trắng trẻo, xinh đẹp, vũ đạo thuần thục, chuyên đóng vai đào võ, được khán giả ái mộ vô cùng. Sau giải phóng, bà nổi tiếng trong vai Thượng Dương Hoàng hậu (vở Tô Hiến Thành xử án). Đó là vai diễn để đời của bà, dù đã có những Đào Tam Xuân, Hàn Tố Mai thành công rực rỡ.
Tú Sương đoạt huy chương vàng Trần Hữu Trang, cả chục năm nay vẫn là ngôi sao sáng giá. Cô có thể đóng văn lẫn võ, vũ đạo đẹp, tâm lý sâu sắc, giọng ca khỏe khoắn, trong trẻo. Dù chuyện tình duyên dang dở nhưng Tú Sương vẫn sống vui vẻ vì cô có một đại gia đình hạnh phúc. Hai đứa con Tú Quyên, Hồng Quyên mỗi ngày được ông bà ngoại chăm sóc, nấu ăn, đưa đón đi học để bà mẹ trẻ rảnh tay chạy sô nuôi cả nhà.
Đến lượt Thanh Thảo có con, ông bà ngoại tiếp tục làm “vú em” một cách phấn khởi. Cả nhà thêm mấy thành viên nhí mà diện tích vẫn không nở ra bao nhiêu, xem ra rất chật. Nhưng đất hẹp chứ lòng không hẹp, họ vẫn ríu rít trong cái tổ ấm cúng của mình. Trường Sơn cười: “Chắc tại tui với bả cùng tuổi nên nghèo suốt đời. Nhưng nghèo mà vui là được rồi. Mấy đứa nhỏ cũng hiền lành, không bon chen. Tôi dạy tụi nó tổ nghiệp cho gì hưởng nấy, đừng làm chuyện sai trái. Rồi đâu cũng vào đó hết”.
Đình Cầu Quan là một chứng tích của sân khấu xa xưa, mai này không biết có còn tồn tại để hậu thế tìm về? Căn hộ nhỏ của Trường Sơn rồi sẽ ra sao? Ông trầm ngâm: “Tôi không biết. Chỉ mong cho tôi được chết trên sân khấu như con tằm rút đến sợi tơ cuối cùng…”.
Theo – Hoàng Kim
Sources: conhacvietnam |