Ngày Đăng: 21 Tháng 06 Năm 2019 Diễn viên kỳ cựu vào vai Hội đồng Thăng, đóng cùng Bạch Tuyết, Trinh Trinh... trong chương trình "Cải lương - Trăm năm nguồn cội".
Nghệ sĩ Bạch Tuyết, Việt Anh và Trinh Trinh sẽ diễn lại một trích đoạn trong tác phẩm kinh điển. Ở phân đoạn này, cô Lựu (Bạch Tuyết đóng) và con gái - Kim Anh (Trinh Trinh) - nghĩ cách kiếm đủ 10.000 đồng trao cho Võ Minh Thành (chồng cũ cô Lựu) - sau khi ông vượt ngục từ Côn Đảo trở về. Thương mẹ, Kim Anh tìm cách tráo số tư trang trong nhà để đem bán. Hội đồng Thăng nghi ngờ, căn vặn hai mẹ con, đồng thời đau đớn vì cô Lựu rốt cuộc vẫn không dành tình cảm cho ông.
| Bạch Tuyết, Việt Anh hội ngộ trong buổi ra mắt chương trình "Cải lương - 100 năm nguồn cội" tại TP HCM. |
Việt Anh cho biết ông nhận lời tham gia vở diễn vì mối quan hệ thân thiết với nghệ sĩ Bạch Tuyết. Việt Anh và Bạch Tuyết từng đóng chung trong vở kịch Dư luận quần chúng ở sân khấu 5B năm 1984. Sau này, ông được thọ giáo Nghệ sĩ nhân dân Diệp Lang - người đóng vai Hội đồng Thăng trong bản dựng Đời cô Lựu của Đoàn cải lương 284. Việt Anh kể mê cải lương từ nhỏ nhưng với ông, bộ môn này rất khó bởi nghệ sĩ không chỉ cần nắm vững về nhịp điệu, chất giọng mà còn phải có kỹ thuật diễn tốt. "Tôi nhận lời tham gia chương trình với điều kiện tôi không hát, vì chỉ cần tiếng đờn cất lên là tay chân tôi run lẩy bẩy", ông nói vui.
Đời cô Lựu là một trong những tiết mục của chương trình tri ân 100 năm cải lương do đạo diễn Quang Thảo dàn dựng. Ngoài ra, trích đoạn vở Câu thơ yên ngựa - do nghệ sĩ Quế Trân, Tú Sương, Điền Trung đảm nhận - sẽ được diễn để tôn vinh tác phẩm kinh điển của gia tộc Minh Tơ. Trích đoạn này tái hiện cảnh thái hậu Ỷ Lan cùng thái sư Lý Đạo Thành xử tử hoàng hậu Thượng Dương vì đã để mắc mưu giặc. Nhạc phẩm Dạ cổ hoài lang - NSƯT Ngọc Đợi trình bày - được chọn biểu diễn phần đầu chương trình để kể về khởi nguồn của cải lương.
Chương trình công diễn tối 7/7 tại Nhà hát Bến Thành, TP HCM và tái diễn vào ngày 13 và 14/7.
Vở Đời cô Lựu ra đời vào thập niên 1930, kể về cô Lựu - vợ của Hai Thành, một tá điền của Hội đồng Thăng. Thấy cô Lựu có nhan sắc, ông Hội đồng lập mưu đưa Hai Thành vào tù và cướp vợ - lúc này đang mang thai. Sau khi đứa con ra đời, Hội đồng Thăng giấu vào cô nhi viện và nói dối là đã chết. Về sau, cô Lựu sinh Kim Anh - con chung với Hội đồng Thăng.
Đứa con đặt tên Minh Luân, được một vợ chồng xin làm con nuôi. Sau 20 năm ở tù tại Côn Đảo, Hai Thành vượt ngục. Ngỡ vợ đã phụ bạc mình, Hai Thành viết thư trao cho Minh Luân tới gặp Lựu, buộc cô phải đưa 10.000 đồng để anh lo cho con học hành, lập nghiệp. Bi kịch tiếp tục diễn ra khi Lựu không có đủ tiền, con gái Kim Anh phải lén bán tư trang lo cho mẹ và anh...
Trước năm 1975, vở có sự tham gia của các nghệ sĩ Phùng Há (vai cô Lựu), Út Trà Ôn (vai Hai Thành), Hoàng Giang (vai Hội đồng Thăng), Thanh Nga (vai Kim Anh). Thập niên 1980, đoàn cải lương 284 diễn lại vở với các tên tuổi Bạch Tuyết (cô Lựu), Thành Được (Hai Thành), Diệp Lang (Hội đồng Thăng), Ngọc Giàu (Hai Hương), Minh Vương (Võ Minh Luân), Lệ Thủy (Kim Anh)...
Sources: vnexpress |