Ngày Đăng: 01 Tháng 09 Năm 2016 Khi đang đạt nhiều thành công trong vai trò diễn viên, NSƯT Hạnh Thúy quyết định học thêm nghề đạo diễn phim và lấn sân sang cả lĩnh vực truyền hình.
- Là một diễn viên thành công, tại sao chị lại quyết định rẽ hướng sang nghề đạo diễn?
- Có 3 lý do khiến tôi quyết định làm đạo diễn. Đầu tiên là vì mong muốn thử thách bản thân nhiều hơn. Thứ hai, đây là đam mê từ rất lâu của tôi. Hạnh Thúy đã từng học lớp đạo diễn sân khấu, cũng được các trung tâm mời đi giảng dạy khá nhiều. Cuối cùng, mình làm đạo diễn là để có thêm tiền nuôi con (cười).
Công việc làm đạo diễn đem lại cho mình rất nhiều điều mà trên hết là cơ hội thay đổi và phát triển bản thân. Nghề diễn viên đem lại cho mình rất nhiều kinh nghiệm, giúp mình trong việc đạo diễn, chuyển tải cảm xúc vào từng vài diễn mượt mà hơn. Cũng nhờ đã từng diễn nhiều lần nên mình có thể truyền cảm hứng cho các bạn diễn viên.
| Làm đạo diễn là cơ hội để Hạnh Thúy làm mới và thử thách bản thân. Ảnh: FBNV. |
- Hạnh Thúy có cảm thấy mình đang làm một lúc rất nhiều công việc?
- Nhiều lúc bản thân mình cũng tự thắc mắc là lấy đâu ra thời gian mà làm lắm thế. Tôi đảm đương khá nhiều công việc bởi tính tình vốn đam mê làm cái khó, càng khó thì càng thích làm. Bên cạnh việc làm diễn viên, đạo diễn, tôi còn tập tành viết báo, thỉnh thoảng cũng được đăng. Hạnh Thúy tham gia Ban chấp hành Hội Điện ảnh TP HCM, tổ chức các chương trình để các bạn trẻ thi sáng tác, giám khảo các cuộc thi, từ thiện... Nắm nhiều đầu việc như vậy, đôi lúc bản thân mình cũng thấy quá tải. Nhưng thực sự nhìn lại thì khá tự hào và cũng vui vì mình làm được rất nhiều thứ, giúp được nhiều người.
- Trong nhiều năm hoạt động với nghề, điều gì khiến chị cảm thấy tự hào nhất?
- Ngoài các giải thưởng, danh hiệu mà mình từng đạt được thì điều khiến tôi tự hào là đã ghi được dấu ấn với khán giả. Nhưng cũng chính điều này khiến tôi cảm thấy bản thân phải nỗ lực nhiều hơn nữa. Vì vậy, trong công việc và cuộc sống hàng ngày, Hạnh Thúy nổi tiếng là một người có yêu cầu cao. Lúc viết kịch bản, mình viết rất chậm, chăm chút cho từng chi tiết nhỏ. Lúc làm đạo diễn, mình thường bị diễn viên than phiền là khó tính. Câu cửa miệng của Hạnh Thúy là: “Em làm tốt rồi, nhưng hãy tốt hơn nữa đi”.
| Trong công việc và cuộc sống hàng ngày, Hạnh Thúy nổi tiếng là một người có yêu cầu cao. |
- Nếu tự nhận định về mình, chị thấy bản thân là người như thế nào?
- “Keo kiệt và khắc nghiệt” là những từ mình hay dùng để tự nói về bản thân. Thúy là một người rất tiết kiệm, thậm chí một bộ ảnh riêng mình cũng không có. Trước khi mua sắm, tôi rất cân nhắc, nghĩ rất kỹ và chỉ lựa chọn những món đồ dùng để chăm lo cho gia đình. Thúy cũng không bao giờ để mình bị làm biếng, làm sai, luôn luôn cố gắng làm điều tốt nhất có thể. Khi làm việc, tôi luôn cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi, rụt rè và gắn kết cùng với con người, với công việc. Mọi thứ luôn được làm với sự nỗ lực lớn nhất và tiêu chuẩn cao nhất.
- Chị có những sở thích nào khác ngoài đam mê nghệ thuật?
- Cũng như mọi phụ nữ khác, tôi thích vào bếp nấu ăn và sở trường là các món Nam Bộ. Khi vào bếp, Thúy đỡ khắt khe hơn và sáng tạo hơn rất nhiều. Nấu ăn sẽ dựa vào nguyên liệu để chế biến, ví như trong nhà còn rau gì sẽ đem đi nấu canh hết. Nhờ đó mà nhiều lần mình có món ngon, lạ miệng. Cũng nhờ thích nấu ăn mà Thúy nhận lời làm đạo diễn cho cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp Chiếc thìa vàng nhiều mùa liên tiếp. Đây là chương trình tôn vinh ẩm thực Việt Nam, phù hợp với sở thích của mình.
| Hạnh Thúy là đạo diễn của "Chiếc thìa vàng" nhiều mùa liên tiếp. Ảnh: Ngọc Minh. |
- Chị đã học hỏi được gì từ vai trò đạo diễn "Chiếc thìa vàng"?
- Làm đạo diễn, theo sát quá trình chế biến của các đầu bếp, tôi cũng học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay như mua thớt riêng cho thực phẩm sống, chín; có bộ dao chuyên dụng; không dùng bột ngọt và trồng rau sạch trong nhà. Từ khi tham gia chương trình, tôi khuyến khích mọi người ăn nhiều món Việt Nam và chú trọng hơn cho nền ẩm thực nước nhà.
- Chị đến với “Chiếc thìa vàng” lần đầu tiên với vai trò giám khảo khách mời, sau đó là đạo diễn. Điều gì giúp chị gắn bó với cuộc thi này đến vậy?
- Tôi bị cuốn hút bởi những pha trình diễn của đầu bếp, sự sáng tạo trong việc sử dụng các loại gia vị. Những niềm vui và nỗi buồn của thí sinh khi bộc bạch chuyện đời, chuyện nghề cũng khiến tôi có rất nhiều cảm xúc. Ấn tượng ấy càng rõ nét qua các mùa thi, để rồi năm 2015, 2016 tôi quyết định nhận vai trò đạo diễn cho các thước phim của Chiếc thìa vàng.
- Chị có thể chia sẻ một vài kỷ niệm đặc biệt khi đồng hành cùng chương trình?
- Năm ngoái có một đầu bếp ở Bình Phước làm tôi rất ấn tượng. Hồi mới vào Sài Gòn, vì quá nghèo và không có công ăn việc làm nên cậu đã nhiều lần có ý định tự tử. May mắn trong một lần lang thang ở bến Bạch Đằng, chàng trai trẻ được một người lạ mời một đĩa mì xào. Cậu liền nảy ra ý định xin đi làm nghề bếp để có cơ hội thay đổi cuộc đời, trước hết là có bữa ăn qua ngày. Dần dần, anh đã đạt được thành công và cùng với đồng đội lọt vào top 15 của cuộc thi.
Chiếc thìa vàng là cuộc thi ẩm thực chuyên nghiệp do Công ty Minh Long I tổ chức, nhằm tìm ra những món ăn ngon, độc đáo, đặc trưng cho từng vùng miền và tôn vinh các đầu bếp tài năng với giải thưởng 1 tỷ đồng.
Cuộc thi đã trải qua vòng sơ kết khu vực miền Nam và miền Trung, Hà Nội sẽ là điểm dừng chân của vòng Sơ kết khu vực miền Bắc, dành cho các đầu bếp khu vực phía Bắc từ ngày 27 đến ngày 29/9. Bán kết tại khu vực phía Bắc sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 12/10; bán kết phía Nam sẽ diễn từ ngày 25 đến ngày 27/10. Chung kết cuộc thi và lễ trao giải sẽ diễn ra vào ngày 6 và 7/12 tại TP HCM. Để theo dõi thông tin về cuộc thi, độc giả có thể tải miễn phí ứng dụng Chiếc thìa vàng về các thiết bị cầm tay chạy hệ điều hành iOS, Android, Windows Phone thông qua App Store, Google Play hoặc Microsoft Store để cập nhật thông tin cuộc thi.
Sources: Zing |