Ngày Đăng: 22 Tháng 04 Năm 2017 Khi phải cấp cứu vì tụt huyết áp vào năm 2015, cố Nghệ sĩ Ưu tú vẫn lén bác sĩ để lên sân khấu hát 'Nửa đời hương phấn".
Rạng sáng 21/4, Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Sang qua đời tại nhà riêng ở TP HCM, hưởng thọ 74 tuổi. Dẫu biết ông lâm bệnh nặng nhiều năm nay, nhiều nghệ sĩ bất ngờ, khá giả xót xa khi "Trần Minh khố chuối" của Bên cầu dệt lụa năm nào đã ra đi khi còn ấp ủ nhiều hoài bão cho sân khấu.
Nghệ sĩ Gia Bảo - cháu nội nghệ sĩ Bảo Quốc - đau lòng khi người chú thân thiết trong làng cải lương qua đời. Lần hợp tác cuối cùng giữa anh và cố nghệ sĩ là vào đầu năm 2015, khi anh mời nghệ sĩ Thanh Sang diễn trong vở Nửa đời hương phấn trong chương trình do anh và vợ đứng ra tổ chức. Lúc đó, ông đã yếu, khi lên sân khấu, nhiều lần ông hát hụt hơi. Nghệ sĩ bị tụt huyết áp ngay khi đang diễn nhưng vẫn nỗ lực đóng tròn vai. Vào hậu trường, ông lập tức được gia đình đưa đi cấp cứu. Hai ngày sau, vào suất diễn thứ hai, ông trốn bệnh viện để được hát tiếp tục. Buổi đó, ông hát xuất thần, khiến nhiều khán giả rơi nước mắt.
| Cố nghệ sĩ Thanh Sang (phải) trong vở "Nửa đời hương phấn" năm 2015. |
Đầu năm 2016, Gia Bảo định tái dựng vở Đời cô Lựu và mời nghệ sĩ Thanh Sang vào vai Võ Minh Thành. "Khi nghe tôi ngỏ lời, ông xúc động nói: 'Con mời chú thì chú mừng lắm. Thú thật là giờ chú muốn hát quá mà chân đi không nổi rồi con ơi'. Ý tưởng dành cho vở kịch vì thiếu chú, thiếu cô Lệ Thủy mà không thành. Bẵng đi một thời gian, tôi nghe tin chú lâm bệnh rồi mất", Gia Bảo bồi hồi.
Trong ký ức Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Kim Huệ, Thanh Sang là bậc đàn anh mẫu mực về đạo làm nghề lẫn lối sống. Giữa thập niên 1980, bà và ông hoạt động chung trong đoàn hát Sài Gòn 1, diễn chung các vở Bến nước tình yêu, Lọ nước thần... Khi đứng cùng sân khấu với nghệ sĩ nổi tiếng, Thanh Kim Huệ ban đầu rất áp lực vì bà nằm ở hàng em út so với ông, hơn nữa bà từng nghe nói ông làm việc rất kỹ càng. Tiếp xúc rồi, bà thấy đúng là ông khó tính thật. Chỉ cần quên một câu thoại, ông sẽ mắng đàn em để họ ghi nhớ ngay tức khắc. Bình thường, ông luôn nhỏ nhẹ với bộ phận hậu đài, song khi diễn, chỉ cần có trục trặc, ông sẽ khiển trách thẳng thắn. Ông còn có nguyên tắc: khi tập ra sao thì diễn phải giống như thế. "Theo tôi, đó là một thói quen cần có để vở diễn không được phép sai sót dù chỉ lỗi nhỏ trước khán giả", bà kể.
Kỹ tính là thế, nhưng Thanh Sang cũng có khi gặp sự cố trên sân khấu. Một lần, ông diễn vở Bến nước tình yêu với Nghệ sĩ Ưu tú Thanh Điền (chồng Thanh Kim Huệ). Trước giờ diễn, Thanh Điền đùa với Thanh Sang: "Sau này khi mất, chắc tui hiến xác cho khoa học để người ta giải phẫu tìm hiểu vì sao mình hát dở như vậy". Lúc ra sân khấu, khi đóng chung với nhau, đột nhiên giọng Thanh Điền bị rè. Nhớ đến câu nói đùa của đồng nghiệp, Thanh Sang tự dưng bật cười không ngớt, khiến Thanh Điền cũng cười theo. Hai nghệ sĩ không nhịn được cười khiến sân khấu phải khép màn tạm nghỉ, còn khán giả bên dưới ngơ ngác vì chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra.
Mỗi khi đóng cặp với đào trẻ hơn mình, Thanh Sang thường than thở vì sợ chênh lệch về ngoại hình trên sân khấu. Tuy vậy, theo Thanh Kim Huệ, trời phú cho cố nghệ sĩ có khuôn mặt rất trẻ so với tuổi thật. Sau khi hóa trang, thần sắc ông trông luôn cân xứng với đàn em dẫu bà kém ông hơn chục tuổi.
Đạo diễn sân khấu, nhà báo Thanh Hiệp nhớ như in những ngày gắn bó cùng cố nghệ sĩ Thanh Sang trong series chương trình Làn điệu phương Nam năm 2005, tổ chức mỗi tháng một lần ở Nhà hát thành phố. Chương trình quy tụ nhiều tên tuổi như Thanh Sang, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Diệu Hiền, Thanh Kim Huệ..., trong đó cố nghệ sĩ là người đầu tiên được mời tham gia.
Đêm nhạc không bán vé, chỉ phục vụ cho bà con yêu cải lương, song các nghệ sĩ - đặc biệt là Thanh Sang - vẫn hát hết mình vì khán giả. Thời điểm đó, sức khỏe nghệ sĩ Thanh Sang đã xuống dốc, song ông vẫn đến tập từ sớm, tranh thủ bảo ban các nghệ sĩ trẻ như Trọng Phúc, Quế Trân, Hữu Quốc... Ông trực tiếp chỉ dẫn Trọng Phúc đóng vai Trần Minh trong Bên cầu dệt lụa, giúp đàn em hóa thân thành công vào vai Trần Minh "khố chuối" ghi dậm dấu ấn của ông.
Sau cái chết của người con trai tên Khôi năm 2011, Thanh Sang từng tâm sự với đạo diễn Thanh Hiệp về nỗi đau "tre già khóc măng non". Thấy tuổi già ngày càng hiu quạnh, ông tâm nguyện về một ngày sẽ bán nhà, bán đất, chia phần cho vợ con, còn mình mua vé máy bay, xin thị thực rồi vác balô đến các quốc gia. Ông sẽ tìm đến kiều bào đang sinh sống rải rác trên thế giới và hát miễn phí cho họ nghe, khi nào hết tiền thì về. Ông tin rằng nơi nào còn người Việt sinh sống, nơi đó sẽ còn niềm đam mê cho âm nhạc cổ truyền. Hơn nửa đời mình, ông đã đến hàng chục quốc gia trên thế giới, cuốn hộ chiếu đã hết chỗ đóng dấu và được ông giữ làm kỷ niệm. Tuy nhiên, khi sức khỏe dần yếu, ông nhận ra rằng, hoài bão của mình chỉ là một giấc mộng khó thành.
Hơn một tháng trước khi Thanh Sang mất, các đồng nghiệp vẫn thấy một nghệ sĩ hân hoan như trẻ con khi khoe kế hoạch tổ chức chương trình kỷ niệm sinh nhật 75 tuổi của ông. Ông định vào dịp Noel năm nay sẽ có đêm diễn quy tụ các đồng nghiệp thân thiết. Ở đó, ông sẽ tái hiện hào khí của sân khấu Thanh Minh - Thanh Nga một thời qua các vở Tiếng trống Mê Linh, Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn... Nhưng dự định khép lại khi ông nhập viện và rơi vào hôn mê.
Lễ tẩm liệm cố nghệ sĩ diễn ra tại nhà riêng vào 7h30 sáng 21/4. Lễ viếng bắt đầu từ 10h ngày 21/4. Lễ truy điệu được tổ chức vào 7h15 ngày 25/4, sau đó lễ an táng diễn ra ở Nghĩa trang Bình Dương.
Tam Kỳ
Video: Thanh Hiệp
Sources: Vnexpress |