Ngày Đăng: 11 Tháng 07 Năm 2013 Anh mất đã khá lâu, khi tuổi đời chưa hóa lão và nghề nghiệp còn phơi phới nét thanh xuân, tài hoa đang rộ chín.
Anh sinh năm 1940, tại thánh địa vọng cổ Bạc Liêu. Cái tên khai sinh rất đẹp bề ngôn ngữ: Lê Minh Khánh; thế mà nghệ danh lại bình dị chân quê: Út Hiền.
| Nghệ Sĩ Út Hiền: Giọng Ca Dĩ Vãng |
Trông anh hiền thật! Hiền ở ngoại mạo đẹp đẽ hào hoa. Nghe diễn thoại, diễn ca
cũng hiền hòa sang trọng nhờ chất giọng kim lai thổ truyền cảm du dương,
nhất là khi thể hiện làn điệu vọng cổ. Ai cũng hiểu rằng những danh ca lẫy lừng
tên tuổi đều có phong cách thể hiện rất riêng, rất độc đáo do quá trình
luyện rèn, tìm tòi và tình yêu nghiệp dĩ ấp ủ trong tim óc kết tựu thành sáng
kiến cách luyến láy, sắp ca tử theo nhịp trường canh, khung nhạc, nhả chữ,
chẻ nhịp, nhảy lót, tạo dấu nhấn riêng qua phát âm các thanh không - sắc - hỏi
- ngã - huyền - nặng. Tự thân họ không lập bè kết phái. Nhưng công chúng,
đồng nghiệp, nhạc giới công nhận họ, mến mộ họ mặn nồng đến nỗi nhiều kẻ đi sau
"nhại theo" cách ca của thần tượng mà hành nghề. Vì thế có hiện tượng "bê
nguyên xi". Đó là nói về làn hơi bẩm sinh. Còn giống về phong cách thể hiện có
khác hơn chỗ "bê nguyên xi" là có hấp thụ cách ca, nhưng có cải tiến để
tạo cái riêng, mà người sành điệu nghe qua thì biết ai giống ai. Hiển nhiên,
người danh ca "được" nhiều người giống mình về phong cách trở thành "sở hữu
chủ” một Trường phái như: út Trà ôn, Hữu Phước, Thanh Tuấn, Minh Cảnh, Thanh
Hương,... Phương tiện để nhận thức sự đồng dạng phong cách ca đích thị là
bản vọng cổ, nhạc vua.
Nói dông nói dài như vậy là nhằm thỏa mãn câu hỏi tại sao Lê Minh Khánh lấy
nghệ danh út Hiền vốn không hoa mỹ bằng tên khai sinh? Sẽ dễ hiểu thôi, bởi
anh rất... thần tượng út Trà ôn; và trước anh đã có nghệ sĩ út Hậu là người
đồng hương với Đệ nhất danh ca, giọng ca và phong cách ca rất giống ông Mười
nên dùng chữ út đứng đầu nghệ danh. út Trà ôn, út Hậu, sau Hậu phải là út Hiền.
Và Hiền ca giống ông út (bản vọng cổ) qua cách sắp chữ ở lòng câu; nếu
không nghe kỹ ắt khó nhận ra, bởi lẽ chất giọng anh chẳng là "đồng" như Phương
Quang. Để được gia nhập trường phái út Trà ôn hay
Hữu Phước, kẻ hậu bối phải có bản lĩnh ca múa trên cung đàn với làn hơi hấp dẫn
thính giác. út Hiền có tất cả ưu thế đặc biệt: chất giọng chẳng giống ai;
giọng Kim lai Thổ do hơi mũi đậm, nghe lạ và mùi mẫn dễ thương. Những chữ "hơ
hớ hơ..." ngắn ngân ở cuối khung 4 nhịp hay cuối câu 1 ,2 nghe đậm duyên,
vừa uyển chuyển vừa lạ lẫm, rất lôi cuốn. CD Khi hoa anh đào nở (SG Hà Triều -
Hoa Phượng), nhà vua (út Hiền) hiểu lầm danh thần TÔ Điền Sơn (út Trà ôn)
sàm sớ hoàng hậu Thái Phượng Liên (út Bạch Lan). Bản Thập tình được út Bạch Lan
thi thố với út Hiền (ca lòn dây đào rất đạt) Hiểu ra sự thật, nhà vua tự
trách: " TÔ Điền Sơn nín lặng. Thái Phượng Liên không nói nên lời. (Nói lối) Ai
là vua, ai là tôi? Tấtt cả nơi đây mọi người đều là những người biết yêu,
biết sống, biết trọn lòng chung thủy. TÔ Điền Sơn ơi (vô vọng cổ) khanh quả là
người đáng quý, còn trẫm đây là người kém trí hơn. . . người. . . Trẫm đã
mang danh là một đấng con Trời – mà việc đến thế này trẫm mới hiểu tại vì sao
khanh như tỉnh như say (song lang) – Còn hoàng hậu sau khi ngất đi, sắc thắm
nhuận vẻ ai bi - giữa khi trẫm cứ mải mê say vui vầy với mối duyên nồng (song
lang xề câu 5".
Câu này, út Hiền đạt độ... huề vốn. Chẳng phải anh non. Chỉ do ca từ ít hơn chữ
đàn, ban nhạc lại chơi dây lơi, giọng ca anh thuộc dạng chồm hơi; do vậy
anh chẳng thể nào thi triển trướng phái út Trà ôn để "khiêu vũ” trên cung đàn.
Câu lối: " Trẫm hối hận quá! Cũng may là đất nước chưa mất một nhân tài.
Khanh là thầy là ân nhân của trẫm là cột trụ của nước nhà". Câu văn nhàn nhạt
mùi xúc cảm, nhưng qua tài "thoại" của út Hiền, nó bỗng đạt độ thẩm thấu
cao dành cho một vị quân vương anh minh, khiêm tốn. Vai Hầu Duy Lễ (vở Lá của
rừng xanh - SG Thu An) bị người yêu - nàng ái Cơ (Ngọc Hương) - chẳng tiếc
lời nguyền rủa vì toa rập cho Tả đô Trịnh Khả phục rượu và cường bức nàng. Duy
Lễ (nói lối): Tôi biết em xem tôi là thù nghịch. Em khinh tôi và ghê tởm
nói tên tôi. Tôi biết rằng ân ái cũ đã qua rồi.../... Tôi muốn nói (vô vọng cổ,
chồng hơi) những gì đã xô tình ta vào ngang trái và vùi chân ân ái xuống
hoang. . . mồ. . . để tôi thầm lặng ấp ôm qua "tháng đợi ngày chờ" - Lòng quằn
quại nhớ nhung đau khổ khi được tin nàng vào quả thượng lăng (song lang
nhịp 24) – vó ngựa ngày nào không muốn bước, khi nàng rẽ lối nhỏ bông lau -
Trông theo sầu hận dâng cao, vì không nói được một câu chung tình (song lang
hò xuống nhịp 32 câu 3).
Cụm từ "tháng đợi ngày chớ", chữ "tháng" anh luyến lên cao, dấu sắc bén nhưng
dịu êm, không chát, nghe nghèn nghẹn dễ thương. Cách luyến này đặc biệt chỉ
út Hiền mới có. Họ bắt tôi viết thư trong nhà ngục để sinh mạng này được thoát
cảnh lao lung (song lang nhịp 24). Tôi biết mình làm một việc trái lương
tâm đưa người yêu vào cung lạnh - nhưng mà tôi không thể làm sao hành động khác
hơn là cắn răng nuốt lệ chia lìa (song lang hò dứt câu 4). Ca từ nhiều,
đàn khá thác, tạo thời cơ cho út Hiền chẻ nhịp, nhảy lót, chạy chữ theo phong
cách út Trà ôn để xuống song lang chính xác như chiếc bánh nóng giòn mới
trút từ khuôn ra. Chiếc bánh ngon càng ngon đậm đà thêm nhờ phụ liệu "hơ hớ
hơ..." sau khung bốn nhịp. Giọng ca út Hiền mùi mẫn, đầy muộn phiền âm ỉ thẳm
sâu nhưng cường độ tạo thành từ âm giọng nhu hòa có mãnh lực công phá bức tường
kiên cố hận thù của người khuê nữ đối với một tình lang văn nhã, chung
tình. Ta có thể bắt gặp út Hiền qua các tình huống tương tự kể trên ở các CD
Chiều lạnh Tuyết Băng Sơn (SG Thu An), Quân vương và thiếp (SG Viễn Châu -
Thể Hà Vân)... CD San Hậu có ba bộ với thành phần diễn viên khác nhau. út Hiền
đảm nhận vai Hoàng tử điện hạ thuộc dĩa đơn với Nguyệt Kiểu - Ngọc Giàu,
lúc Tề trào phục hưng, phe cánh họ Tạ bị triệt tiêu. Hoàng tử (nói lối hơi
lòn): "Xin á mẫu hãy đứng lên, đừng quỳ lụy van xin mà con trẻ thêm lỗi đạo
. Ơn á mẫu con còn ghi tấc dạ thì lẽ nào con từ chối lời mẹ cầu xin... (hơi
kép). Tâu á mẫu, con trẻ thường nghe hễ trị quốc dĩ trung vi bổn, còn trị gia
dĩ hiếu vi tiên. Trung hiếu kia nếu có vẹn tuyền, thì sơn hà xã tắc mới mong
thịnh trị (vô vọng cổ). Bởi thế nên ngày nay Tế trào qua khỏi cơn nghiêng
ngửa, ấy cũng nhờ công lao của mẹ như biển "rộng”... sông dài... Xin mẹ hãy
nghe con bày tỏ một đôi lời - Hãy từ bỏ nâu sồng, trở về điện ngọc để con được
đáp đền nghĩa rộng ân sâu (song lang đầu) - Đối với con dù mẹ không nặng chữ cù
lao, nhưng sự cưu mang còn hơn chín tháng mười ngày – xin mẹ nhận lời cho
con trẻ được vui, nắm vững ngôi trời bên tình thương á mẫu (song lang cống, dứt
câu 1). Cụm từ vô hò "biển rộng... sông... dài", út Hiền luyến chữ "rộng"
êm nhuyễn tuyệt vời, dẫu rằng chữ mang dấu nặng rất kén người thô nháp về làn
giọng ở động thái "luyến". út Hiền đã nhập tâm trọn vẹn vào ca từ, thâm sâu
về nội dung câu ca bàng bạc nhân văn đạo nghĩa ngàn đời bản sắc Việt Nam. Văn
phong cao kỳ đánh động mạch cảm người nghe; chỉ mấy câu nói lối đã hình thành
cơn phong ba bồi hồi. Và khi diễn viên cất giọng ca, phong ba áp thấp đã thành
phong vũ ba đào tầm vóc một cơn địa chấn tâm hồn. Đó là thành tựu cộng hưởng
giữa văn học và người biểu diễn cùng hòa quyện rồi thăng hoa lên đỉnh cao nghệ
thuật.
Một dấu son chói chang khác của út Hiền là vai Lê Long Hồ trong vở Người đối
diện lương tâm, tức Tuyệt tình ca (SG Hoa Phượng - Ngọc Điệp). Đó là lớp Hồ
gặp Trường An tại cảnh sát cuộc: " Tại sao chị bị bắt? /. . ./ Chị bị bắt vì
tội gì ?. . . / Trời ơi ! Má gần chết rồi, cái gì thì nói thẳng ra đi.. "Chị
bị bắt về tội. . . xấu lắm em à . "Mà tội gì... có phải tội... mãi dâm không?
"Cũng. . . cũng gần như vậy . Trời! Chị Hai. . . chị Hai, cây cải được tốt
được xanh là nhờ người ta vun bón; còn cuộc đời hoa niên xinh mộng của tôi. . .
đây. . . (ca Phụng hoàng) Một ngày mai được xanh tốt / Tôi được ăn trên
ngời trước / Chính nhờ việc làm nhơ nhớp của chị hôm nay / Tôi không cần chị
Hai đâu / Thà là đêm đêm tôi đi bán bánh mì / Tôi vẫn học hành thi đỗ / còn
cái bằng cấp Tú tài tôi xé trước mặt chị Hai...". Long Hồ - út Hiền ca trọn 8
câu Phụng hoàng không sướt mướt bi ai, nhưng giông tố lòng người ào ạt dầy
lên. út Hiền thành công trọn vẹn về nồng độ xúc cảm và còn về kỹ thuật cao ở
bản Oán này. Lớp Hồ về quê thăm mẹ, cô giáo Lan (út Bạch Lan) phiền hà Hồ
phí tiền mua bình dường khí cho cô. Long Hồ - út Hiền diễn thoại: "... con biết
rằng nói với má là má cản ngăn không cho con mua; má sẽ buộc con đi đóng
tiền trường, tiền lệ phí ngày thi. Nhưng má ơi, nếu không thi được khóa này thì
con sẽ đợi kỳ thi năm tới. Nếu thiếu tiền trường mà dang dở học hành năm
nay thì cơn vẫn còn dư thời gian học hỏi cả mấy chục năm sau, chớ một mai má
chết đi rồi thì trọn đời con ân hận...". Lời thoại mộc mạc mà thẩm thấu đến
đau buốt tim gan. ôi! Đúng là “gia bần tri hiếu tử” (nhà nghèo mới biết con
hiếu). Hai câu vọng cổ 5 và 6 được út Hiền, út Bạch Lan lần lượt trỗi giọng
ru hồn người nghe vào thế giới đớn đau tuyệt vọng của những kiếp đời nghiệt ngã
nơi tầng thấp cõi nhân gian.
Ở sân khấu sàn diễn, út Hiền có những vai thành công lớn về thanh lẫn sắc như
Duy Lễ (Lá của rừng xanh) ; Lim Ba – chàng chăn voi xấu xí (hy sinh gương
mặt đẹp) trong Bà chúa ăn mày (SG Thu An). Anh chuyên trị những nhân vật hào
hoa, thư sinh công tử do hợp tạng người. Ba CD Bụi mờ ải nhạn, Giọt máu chung
tình, Lá sầu riêng anh thủ vai thứ yếu nên không có dịp trổ hết khả năng (thiếu
đất diễn). Ngoài bản vọng cổ mà tài nghệ thuộc hàng TOP, út Hiền còn ca
hay nhiều bài bản nhỏ đến Oán, Nam, Bắc. Các bản Bắc và các bản nhỏ hơi Bắc anh
ca rất xôm, giòn theo trường phái út Trà ôn. Dẫu rằng anh không trường
thọ, nhưng làn hơi lạ và tài năng ca Vọng cổ của anh rất đáng vinh danh là một
ngôi sao thanh sắc của Bạc Liêu, Thánh địa sản sinh làn điệu nhạc vua bất
tử mà giá trị phi vật thể dám sánh các tuyệt tác của Năm Châu.
Sources: cailuongvietnam |
|
|