Ngày Đăng: 17 Tháng 05 Năm 2016 Ngày 30-4-2015, hòa vào không khí rộn ràng mừng 40 năm thống nhất đất nước, tôi cũng như bao nhiêu người dân của thành phố, không khỏi bồi hồi nhớ lại quyết định quan trọng của cuộc đời mình năm ấy - đó là ĐI
hay Ở?
| Từ trái qua: Chế Lan Viên - Kim Cương - Nguyễn Tuân - Ảnh: Tư liệu gia đình Kim Cương |
Cách đây 40 năm, tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, chúng tôi đều có những suy nghĩ băn khoăn, trăn trở khác nhau. Riêng cá nhân tôi, nếu quyết định đi thì tôi có nhiều phương tiện hơn nhiều người khác.
Về đời sống, với hai giải thưởng Điện ảnh Á châu tôi vừa nhận ở Đài Loan, một căn nhà và bao nhiêu bạn bè ở Pháp... thì cuộc sống vật chất của tôi và gia đình tương đối được bảo đảm ở nước ngoài.
Và quan trọng nhất, lúc đó chồng tôi đang là sĩ quan, em rể tôi là trưởng phòng tư pháp quận 6, và còn bao nhiêu thân nhân của gia đình tôi không tránh khỏi dính dáng tới chế độ trước...
Vậy thì tại sao tôi ở lại?
Mỗi người đều có một quan niệm sống, người thì cho tiền bạc địa vị mới làm nên hạnh phúc, nhưng riêng tôi nơi nào tôi được đóng góp nhiều nhất cho cuộc đời thì đó là nơi tôi tìm thấy hạnh phúc...
Bước qua
những thêu dệt
Tôi khẳng định một điều tôi ở lại không phải vì tôi là thượng tá tình báo hay 30 năm tuổi Đảng như những người ác ý đã cố tình thêu dệt trong bao nhiêu năm nay, tôi ở lại vì một điều duy nhất: tôi yêu quê hương, gia đình, nghề nghiệp, khán giả, bạn bè...
Cái tôi muốn nói là hồn cốt của từng gốc cây ngọn cỏ, làn gió, ánh mắt, nụ cười của xứ sở, những kỷ niệm và những tình cảm của khán giả, của cuộc đời đã làm nên một Kim Cương nghệ sĩ.
Hơn nữa tôi hiểu rằng khán giả ở các nước có thể quý trọng Kim Cương vì tài năng hay ái mộ Kim Cương về nhan sắc, nhưng chắc chắn sẽ không có khán giả nào có thể thương Kim Cương bằng khán giả Việt Nam.
Khi chọn ở lại, tôi không ngờ có ngày mình bị đặt vào hoàn cảnh ngỡ ngàng không bao giờ tưởng tượng ra được. Như chuyện có người tin rằng tôi là “thượng tá tình báo” được cách mạng gài lại. Người thì nói đã tận mắt thấy tôi ngồi xe jeep đi tìm bắt Hùng Cường.
Thậm chí có lần tôi qua Mỹ, có những người bạn rất thân mời tôi về nhà ăn cơm nên bị những phần tử chống đối phản đối quyết liệt... Cho tới lúc chồng tôi đang học tập trên trại bị mọi người cách ly vì cho rằng đó là chồng thượng tá gài vô làm “ăngten” lấy tin tức cho cách mạng.
Và còn biết bao nhiêu tin đồn nữa khiến tôi hoang mang không hiểu gì cả...
Tôi chịu đựng như thế trong một thời gian dài. Mãi cho đến vài năm sau, lần hồi xâu chuỗi các sự kiện, tôi mới hiểu do đâu dư luận lại đồn đãi như vậy.
Thì ra có những sự trùng hợp quá ngẫu nhiên dễ gây nhiều ngộ nhận, nhất là trong một hoàn cảnh xã hội vô cùng hỗn độn lúc đó. Trước hết là chuyện đoàn Kim Cương được hoạt động rất sớm.
Người ta không hiểu được đây là chủ trương của Thành ủy khi đó nhằm hàn gắn vết thương chiến tranh và đảm bảo mọi sinh hoạt của xã hội được trở lại bình thường, mà cho rằng vì tôi là “thượng tá” nên mới được ưu tiên như thế.
Cũng không ai nhớ ra rằng chỉ sau đó một vài tuần, vài tháng thì hàng loạt đoàn khác ra đời như Sài Gòn 1, Sài Gòn 2, Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Bông Hồng, Minh Tơ.
Và sự kiện gây hiểu lầm nặng nề nhất quanh vấn đề “thượng tá” của tôi là trong ngày lễ 1-5, trước sự có mặt của tất cả các giới, tôi ôm một anh bộ đội đội nón tai bèo, mang dép râu với tất cả sự mừng rỡ, hân hoan.
Không ai hiểu rằng đó là anh Phùng Bá Thọ, người đã cùng chung học với tôi mấy năm ở Pháp. Khi học xong anh về Hà Nội, còn tôi trở lại Sài Gòn... Chúng tôi mừng mừng tủi tủi gặp lại nhau trong sự bất ngờ, hạnh phúc. Thế là một cuộc gặp gỡ bạn bè đơn thuần bỗng biến thành chuyện cho người ta thêu dệt.
Thêm một chuyện là sáng nào Thọ cũng lấy xe jeep của đài truyền hình đến đưa vợ chồng tôi đi ăn phở vì mấy năm trời hoạt động cực khổ, anh rất thèm các món ăn Sài Gòn. Vậy là có thêm tin đồn nữa: Kim Cương ngồi xe jeep chạy cùng Sài Gòn kiếm bắt Hùng Cường.
| Từ trái qua: người bạn Phùng Bá Thọ - Năm Châu - má Bảy Phùng Há - má Bảy Nam - Ảnh: Tư liệu gia đình Kim Cương |
Sources: tuoitre |