Ngày Đăng: 08 Tháng 02 Năm 2018 Lời chia sẻ của nghệ sĩ Lê Phi Phi trong giờ phút truy điệu bố anh gây xúc động cho người tham dự lễ tang tại Hà Nội, sáng 8/2.
Đám tang nhạc sĩ Hoàng Vân diễn ra ở Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng, Trần Thánh Tông, Hà Nội. Ông qua đời hôm 4/2, hưởng thọ 88 tuổi. Lễ viếng bắt đầu từ 7h30 nhưng trước đó nửa tiếng, hàng trăm người thân, bạn bè, đồng nghiệp nhạc sĩ có mặt để đưa tiễn ông.
Lễ tang kéo dài hai tiếng trong không khí trang nghiêm, không quá bi lụy. Những nhạc phẩm nổi tiếng của Hoàng Vân như Hát về cây lúa hôm nay, Bài ca xây dựng, Bài ca người thợ mỏ... lần lượt vang lên.
Hai con nhạc sĩ - nhạc trưởng Lê Phi Phi và Lê Y Linh - túc trực ở bên để chăm sóc mẹ. Bà Ngọc Anh - vợ ông - lặng lẽ đưa tiễn chồng. Bà ít nói, chỉ gật đầu nhẹ với những người thân đến chia buồn, mắt rớm lệ. Khi tiến đến nhìn mặt chồng lần cuối, bà bước thật chậm. Nhiều năm nay, vợ chồng nhạc sĩ Hoàng Vân sống cùng người giúp việc ở căn nhà trên phố Hàng Thùng, Hà Nội. Lúc ông qua đời, cả hai người con đều đang ở nước ngoài.
| Gia đình nhạc sĩ Hoàng Vân gồm trai Lê Phi Phi, vợ, con gái Lê Y Vân và con rể (từ trái qua). |
Nhạc trưởng Lê Phi Phi trở thành chỗ dựa tinh thần của mẹ và chị gái trong tang lễ. Anh luôn động viên mẹ rằng bố ra đi thanh thản, không đau đớn. Sau phần đọc điếu văn, nhạc trưởng Lê Phi Phi tâm sự với người cha đã khuất: "Con không muốn bi luỵ. Con chỉ muốn nói với bố rằng chúng ta rồi sẽ gặp lại nhau, cùng đi chơi, uống cà phê, đàm đạo về âm nhạc".
Anh khóc nghẹn và mất vài giây để trấn tĩnh trước khi nói tiếp: "Nếu được sinh ra một lần nữa, con không muốn làm nhạc trưởng, không muốn thành danh ở nước ngoài dù đó là niềm tự hào của gia đình. Con chỉ muốn ở nhà để chăm sóc bố mẹ nhiều hơn. Bố mẹ hãy tha lỗi cho con".
Lê Phi Phi tốt nghiệp Học viện Tchaikovsky (nay là Học viện Âm nhạc Moscow) của Nga năm 1995. Sau đó, anh định cư tại Macedonia và thường xuyên thực hiện nhiều buổi biểu diễn ở châu Âu. Năm 2015, khi nhạc sĩ Hoàng Vân trải qua bạo bệnh, Lê Phi Phi về nước, túc trực thường xuyên bên bố. Tuy nhiên, lần này nhạc sĩ ra đi đột ngột. Anh mới có mặt ở Hà Nội hai ngày trước.
Tiến sĩ âm nhạc Lê Y Linh - con gái nhạc sĩ Hoàng Vân - cũng không ở bên bố lúc ông qua đời. Chị định cư ở Pháp. Tại tang lễ, Y Linh không thể nói rành rọt vì xúc động. Chị đọc một đoạn văn về tâm trạng bàng hoàng khi hay tin bố qua đời. Chị cũng nhắc lại kỷ niệm lần cuối cùng hai bố con gặp gỡ cách đây hơn một tháng. Lúc đó, sức khoẻ nhạc sĩ đã có dấu hiệu suy sụp. Ông đi lại chậm và khó khăn hơn. Lê Y Linh nhiều lần gục vào vai chồng khóc nức nở. Trong khoảnh khắc linh cữu của nhạc sĩ Hoàng Vân sắp sửa được đưa ra xe tang, bốn người trong gia đình nắm chặt tay nhau.
Nhiều đồng nghiệp như Phạm Tuyên, Phú Quang, Lân Cường kể lại kỷ niệm với nhạc sĩ Hoàng Vân.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên chia sẻ Hoàng Vân là bạn đồng hành trên chặng đường sáng tác của ông. Hai người thường xuyên cùng đi thực tế, góp ý về các tác phẩm cho nhau. Trong mắt Phạm Tuyên, Hoàng Vân là người hóm hỉnh, lạc quan. "Ba năm nay, Hoàng Vân có dấu hiệu suy giảm trí nhớ, vì thế, tính cách ông thay đổi. Chúng tôi không có dịp gặp gỡ nhiều nhưng luôn yêu quý, trân trọng nhau. Khi nghe tin bạn đồng niên mất, tôi vô cùng bàng hoàng", nhạc sĩ Phạm Tuyên nói.
Trong sổ tang, Phạm Tuyên gọi Hoàng Vân là "người bạn thân của tôi". Ông viết: "Những tác phẩm mà chúng ta cùng viết trong những chuyến đi suốt chiều dài đất nước sẽ còn sống mãi với thời gian và ký ức của gia đình chúng ta".
Nhạc sĩ Lân Cường kể Hoàng Vân là người giới thiệu ông vào Hội nhạc sĩ Việt Nam. Tác giả ca khúc Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai ca ngợi nhạc sĩ Hoàng Vân tài năng nhưng từ tốn, khiêm nhường.
Phú Quang chia sẻ nhạc sĩ Hoàng Vân là một "nhân cách lớn", ông học được nhiều từ người thầy của mình. "Trở về nước sau quá trình tu nghiệp ở Nhạc viện Trung ương Trung Quốc, nhạc sĩ Hoàng Vân ước mơ được làm công tác giảng dạy, truyền đạt các kiến thức mình học được cho thế hệ sau. Thế nhưng ông lại phải ra chiến trường, làm nhiệm vụ cách mạng. Ông chỉ lo mình hy sinh khi nguyện vọng chưa thực hiện được", nhạc sĩ Phú Quang nhớ lại. Phú Quang viết trong sổ tang: "Vô cùng thương tiếc thầy - người thầy mà em kính trọng nhất về tài năng và nhân cách. Mong thầy bình yên trong cõi cực lạc".
Tùng Dương nhớ nhạc sĩ Hoàng Vân là người vui vẻ, hài hước, đào hoa. Anh cũng bày tỏ sự ngưỡng mộ với tình yêu của vợ chồng ông. "Hai bác luôn quan tâm, chăm sóc nhau chu đáo, khiến bậc con cháu như tôi cảm động", nam ca sĩ nói. Ca sĩ Việt Hoàn gọi sự ra đi của nhạc sĩ Hoàng Vân là "sự mất mát to lớn của nền âm nhạc Việt Nam".
| Nhạc sĩ Hoàng Vân nở nụ cười hiền từ trong di ảnh. |
Khi linh cữu cố nhạc sĩ được đưa lên xe, gia đình, người thân, đồng nghiệp lặng lẽ bước theo. Nhạc trưởng Lê Phi Phi nói lời cảm ơn tới người thân, bạn bè trước khi đưa linh cữu bố anh về đài hoá thân Hoàn Vũ, Văn Điển. Sau đó, tro cốt nhạc sĩ sẽ được an táng tại nghĩa trang Thanh Tước, Vĩnh Phúc.
Nhạc sĩ Hoàng Vân (tên khai sinh là Lê Văn Ngọ) sinh năm 1930 ở Hà Nội. Ông sáng tác từ năm 1951 và sớm nổi tiếng với các ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như Chiến thắng Hòa Bình, Tin chiến thắng, Chiến thắng Tây Bắc... Năm 1954, ông sáng tác bài hát nổi tiếng Hò kéo pháo. Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với nhiều ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương. Ông được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000.
Ngoài Hò kéo pháo, Hoàng Vân còn là tác giả của rất nhiều ca khúc nổi tiếng như: Tôi là người thợ lò, Hà Nội - Huế - Sài Gòn, Quảng Bình quê ta ơi, Bài ca giao thông vận tải, Chào anh giải phóng quân - Chào mùa xuân đại thắng. Sau 1975, ông sáng tác Bài ca xây dựng, Hát về cây lúa hôm nay, Tình ca Tây Nguyên...
Vĩ Thanh
Ảnh: Giang Huy
Video: Trần Huấn
Sources: Vnexpress |