Ngày Đăng: 15 Tháng 11 Năm 2017 Năm 2004, sau khi bản nhạc nổi đình đám trên nhiều diễn đàn, Phạm Toàn Thắng "ở ẩn" một thời gian vì áp lực trước thành công.
Giờ ra chơi một ngày nào đó của năm học cuối trung học phổ thông mà tôi cũng không rõ nữa, chỉ nhớ là vừa mới thi học kỳ hai xong, khi mà những quả chò nâu vẫn xoay tít thành từng vòng tròn vô định như chính cái tuổi 18 ngẩn ngơ, thẫn thờ được bao bọc bởi chiếc áo khoác mộng mơ. Nhỏ bạn ú ớ gọi tên tôi sau lưng:
- Ten ơi!
- Bà gọi tui chuyện gì vậy?
- Ông đăng ký trường gì? Bữa câu lạc bộ âm nhạc mình hỏi ông chưa có nói.
Tôi trầm ngâm một lúc rồi trả lời:
- Tui đăng ký trường Luật và Công nghệ Thông tin. Nhỏ bạn tròn mắt nhìn tôi:
- Ủa kỳ vậy? Ông mê nhạc mà, sao không đăng ký trường nghệ thuật nào đó mà học?
Tôi cười trừ.
- Biết nhạc lý gì đâu mà học bà ơi, đàn thì học lỏm nên trình độ cứ bì bõm như gảy tai trâu, vô đó sao chọi lại mấy đứa học nhạc từ nhỏ. Mà có học thì chắc gì ra trường có việc làm, kiếm đâu ra tiền mà sống. Bố mẹ tui cũng đâu có của dư của để mà cho tui mơ với chả mộng. Tui thực tế lắm bà ạ!
- Thế tự nhiên học Luật với Công nghệ Thông tin làm gì? Tôi mỉm cười lém lỉnh và quay đầu nhìn nhỏ bạn.
- Bà hổng thấy tui cãi nhau giỏi hả? Trước giờ có ai trong câu lạc bộ mình nói lý lại được tui, đã thế tui nói chuyện thuyết phục người khắc lắm đấy. Lớp tui muốn làm phong trào gì cũng phải hỏi ý kiến dù tui chẳng giữ chức gì trong lớp cả. Ghê chưa?
- À à... thì cũng ghê, cũng gớm! Cái miệng ông thêm cái thái độ đơ đơ, lạnh lạnh của ông người ta sợ là phải. Mà sao nghĩ quẩn gì lại chọn Công nghệ Thông tin?
- Ngành đó đang hot mà bà, có công nghệ thông tin không sợ thiếu việc, tệ quá thì đi cài Windows dạo sống qua ngày. Mà thật ra do tui dốt máy tính quá, học ngành đó cho nó đỡ dốt.
- Bó tay ông luôn! Mà nói nghe nè, dù hồi trong câu lạc bộ ông không được thể hiện mình nhiều, lại suốt ngày đi khiêng loa và trong đội cổ vũ nhưng tui biết mấy bạn trong câu lạc bộ thích mấy bài ông viết lắm đó. Mấy đứa nó ít chơi với ông nhưng nó cũng khen, còn có bà chẳng phải suốt ngày nghêu ngao hát Nam sinh nữ sinh chung với ông đến nỗi mấy thầy cô cũng biết kìa!
Tôi cười phá lên.
- Ý bà là cái lần hội trường, hai đứa cầm micro hát bị cô giám thị kêu im lặng cho các bạn khác nghỉ trưa đó hả? Hahaha... nói chứ tui biết mình ở đâu mà, viết vui thì được chứ ai thèm hát mấy bài đó? Nghe mấy cái tên như Hồ Xuân Hương, Con cò bé bé, Ngôi nhà lạc lõng, Người bạn bán canh bún là người ta chạy dài rồi.
- Bây giờ không có, biết đâu sau này có. Ông cứ tinh vi đoán trước chuyện thiên hạ làm gì. Mà nhớ làm vài bài kỷ niệm tuổi học trò cho vui nha. Sau này đi cài Windows dạo, nghe lại cho thấy nhớ hồi trẻ.
| Nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng. |
Tôi ậm ừ cho qua rồi lại quay ra nhìn sân trường đang rộn ràng tiếng cười nói của đám học trò, nhỏ bạn cũng đứng dậy ra chỗ đám đông. Quả chò nâu từ trên cao rớt xuống, cứ quay tròn, quay tròn.
Rồi mùa hè cũng tới, đám học trò chúng tôi cặm cụi ôn thi tốt nghiệp rồi đến thi đại học. Ai nấy đều xôn xao, lo lắng và mong ngóng về điểm số, bàn luận bài thi. Có mình tôi lạc lõng với những cảm xúc đó, bình thường như một ngày rất bình thường. Tôi tin mình sẽ không rớt nhưng rồi cũng chẳng đậu với chính trái tim mình.
Kết quả là tôi không có dịp tranh cãi trong tòa, mà bắt đầu hành trình khởi nghiệp với tương lai trong trường hợp tệ nhất là cài Windows dạo hoặc canh phòng Internet công cộng. Thôi thì cũng nên ăn mừng chuyện đậu đại học nhỉ? Tôi bèn tập hợp mấy đứa bạn trong câu lạc bộ âm nhạc và nhờ vả tụi nó cùng mình thực hiện ước mơ nho nhỏ là làm mấy bài kỷ niệm cho thời học sinh. Tôi chọn chùm ca ca khúc bốn mùa của mình bao gồm Nam sinh nữ sinh, Câu chuyện mùa thu, Cô bé mùa đông, Bài ca A3 để thực hiện vì có lẽ nó dễ nghe và cũng đúng với tâm tính của mấy đứa học trò như tụi tôi nhất.
Xin mẹ được một triệu đồng để thực hiện cái kế hoạch kỷ niệm này, hành trình cũng vật vã chẳng kém. Vì không biết nhạc lý mà tôi chỉ hát nghêu ngao cho tụi bạn đánh đàn và ghi hòa âm. Chúng nó cũng mệt mỏi với tôi lần đó. Tôi thấy mình cũng tệ thật, giá như trước đó chịu học và siêng năng hơn. Mà biết sao giờ, cung Thiên Bình vốn dĩ lười biếng và đến tận sau này, cái tính đó cũng chẳng khá hơn.
Rồi bốn bản thu thử đó cũng ra đời trong sự cố gắng của bốn đứa trẻ và sự chịu đựng của anh chủ phòng thu. Thành quả nhận được nghe cũng lãng mạn học trò, ngây ngô, ngốc xít, đáng yêu lắm dù giọng ca cây nhà lá vườn của tôi và hai nhỏ bạn hơi ghê. Mà chẳng sao, vui là được! Tôi in ra đĩa CD tặng cô giáo chủ nhiệm và các bạn cùng lớp, chủ yếu là vì có Bài ca A3 tôi viết có đầy đủ tên thành viên trong lớp. Những bài còn lại thì nghe cho vui và coi như là kỷ niệm.
Năm 2005 cũng là lúc Internet bắt đầu được đại trà hơn ở Việt Nam. Nhà nhà bắt đầu sử dụng ADSL, thay thế cho Dial-Up vừa chậm vừa tốn tiền trước đấy. Các diễn đàn lớn nhỏ mọc lên như nấm. Lúc đó, tôi cũng là thành viên của một trong những diễn đàn hot nhất là diễn đàn trường Lê Quý Đôn. Tôi chủ yếu vào xem hình các hot girl, hot boy mà tôi nhớ là cậu Chan Than San cũng nổi lên từ thời này. Diễn đàn Lê Quý Đôn có cái phòng nhạc khá thú vị, cho phép các thành viên post những bài hát tự thu và của các ca sĩ mạng lên. Hồi ấy có nhiều bạn hát hay lắm, như Ái Thi, Hải Đăng rồi “cơn lốc” Thùy Chi, M4U, LK, Mai Tròn. Tôi hay vào đó nghe và cập nhật nhạc cho bản thân. Một ngày tháng 11, tôi đánh liều tải ca khúc Cô bé mùa đông lên đó và nghĩ ca khúc này khá phù hợp để khoe với mọi người.
Tưởng đăng lên cho vui và không ai thèm để ý, ngờ đâu lượt nghe cứ tăng vùn vụt theo ngày, lượt bình luận vào khen bài hát tới tấp đến mức nó được vào mục “Hot” của Box âm nhạc. Có người còn khen hát dễ thương, giọng ấm gì nữa chứ. Nhưng tôi dám cam đoan bằng cả trí óc và tâm hồn mình là lúc đó tôi hát ghê thật. Nhờ bài hát này, bản thân tôi cũng được hot “lây” và trở thành thành viên có tiếng trong diễn đàn với cái tên NhocTen.
Cô bé mùa đông trở thành “huyền thoại” của Diễn đàn Lê Quý Đôn thời bấy giờ và được truyền bá rộng rãi đến các hang cùng ngõ hẽm của các diễn đàn khác. Tôi cũng chia sẻ nhạc nền ca khúc đó cho mọi người. Muôn vàn dị bản khác xuất hiện cũng khiến bài hát nổi đình đám hơn trong giới học sinh, sinh viên. Có cả bản Pop, bản Rock, bản R&B và một bản Rap tên Trắng do LK trình bày trên nhạc nền ấy. Cùng thời đó còn có cậu bạn Kalentine rất hot với ca khúc Thỏ con chiên bánh và Nấm lùn di động, Young Uno với Tuyết yêu thương và cả bản thu bài Hạ cuối do anh Hà Anh Tuấn hát. Điều tôi không ngờ đến là gần mười năm sau, tôi có dịp cộng tác với anh Tuấn trong một ca khúc mùa đông khác, tên là Chuyện của mùa đông - một bài hát mà tự bản thân tôi rất yêu thích và tâm đắc.
Rất nhiều giai thoại được dựng nên cho ca khúc Cô bé mùa đông của tôi. Có người bảo tôi lấy nhạc nước ngoài viết lời Việt, người nói đây là ca khúc của anh chị, bạn dì họ, người lại phán tôi không ở Việt Nam nên mới viết bài hát có tuyết rơi như thế này. Đỉnh điểm của câu chuyện là khi một nhóm bạn du học sinh Canada liên lạc với tôi để xin ca khúc này làm bài hát tưởng niệm cho cô bạn tên Annie mới qua đời. Đương nhiên là tôi cho phép vì thấy đó là một hành động rất ý nghĩa. Blog 360 tưởng niệm Annie lúc đó rất nổi tiếng trong giới trẻ và kèm theo ca khúc Cô bé mùa đông lại có dịp bùng phát mạnh mẽ hơn.
Câu chuyện về người bạn trai viết ca khúc này cho cô bạn gái đã mất là một câu chuyện rất xúc động lúc bấy giờ và ai cũng tin đó là sự thật. Mọi người tin đến mức một cậu bạn phải gọi điện cho tôi và nói: “Tao biết câu chuyện của mày rồi. Mày buồn lắm phải không? Người yêu mày qua đời quá sớm. Tao nghe ca khúc mày viết mà nghĩ đến mày, tao cũng muốn khóc theo”.
Thật sự tôi không biết phản ứng ra sao và phải tìm mọi cách giải thích cho cậu bạn đó hiểu. Quả thật Cô bé mùa đông chỉ đơn giản là ca khúc tôi viết tặng một cô bạn học khóa dưới mà thôi.
Tôi lúc đấy như một quả chò nâu xoay vòng ngọt ngào đang được cơn gió nâng đỡ vươn cao.
Cô bé mùa đông còn có nhiều câu chuyện khác như việc có một người mạo danh tôi đăng tải ca khúc lên diễn đàn khác để cưa gái và lừa gạt. Chuyện một nhóm nhạc tự tiện lấy ca khúc đó đi hát và ghi là nhạc ngoại lời Việt, chuyện tôi phải lên báo Hoa Học Trò để đính chính... Nhưng tất cả mọi việc khép lại khi chị Thủy Tiên liên lạc với tôi để sử dụng ca khúc đó phát hành chính thức. Tôi đồng ý vì thực sự rất mê ca khúc Giấc mơ tuyết trắng do anh Quốc Bảo sáng tác mà chị trình bày trong phim truyền hình Tuyết nhiệt đới.
Bản thu chính thức của Cô bé mùa đông ra đời hai năm sau, với giọng ca của chị Thủy Tiên và anh Đăng Khôi. Nó trở thành một ca khúc hit đình đám thời điểm ấy. Tôi còn có dịp lên sân khấu chương trình Album Vàng để song ca với chị Tiên ca khúc này. Đó là kỷ niệm đầu đời tôi được bước lên một sân khấu lớn đến vậy.
Cùng Công chúa bong bóng của Bảo Thy, Một vòng Trái Đất của Minh Hằng và Tim, Cô bé mùa đông khởi đầu một trào lưu nhạc Teenpop thời bấy giờ mà sau này có nhiều người đã nguyền rủa đó là thời kỳ hủy diệt nhạc Việt. À mà xin lỗi mọi người, tôi vẫn yêu, trân trọng Cô bé mùa đông và các ca khúc Teenpop như vậy vì nó phản ánh đúng tâm tư tình cảm của chúng tôi lúc đó. Và một cậu bé tuổi teen thì đương nhiên phải viết nhạc cho teen rồi. Cô bé mùa đông là một sự khởi đầu và cột mốc quan trọng trong cuộc đời tôi. Nó cho tôi thành công đầu đời, được mọi người biết tới, cho tôi niềm tin rằng mình viết nhạc cũng có người nghe và được yêu thích. Nhưng nó cũng là áp lực vô hình với tôi cùng cái bóng quá lớn cần phải vượt qua. Vốn không có căn bản, nhạc lý còn chưa suôn sẻ thì tôi thật sự hoài nghi về chính thành công này.
“Đó là cú ăn may hay khả năng thực sự của mình?” - Tôi trăn trở mãi với câu hỏi đó.
Hàng loạt yêu cầu các ca khúc tương tự Cô bé mùa đông được gửi tới đặt hàng nhưng tôi đều từ chối, vì không tin mình sẽ tạo ra được cái gì kỳ diệu như thế lần nữa với vốn sống và kiến thức hạn hẹp hiện có. Mọi người áp đặt tôi vào hình ảnh một cậu trai chỉ viết nhạc Teen cho con nít nghe và chỉ đến vậy thôi. Mọi người không cho phép tôi thể hiện những khía cạnh âm nhạc khác trong con người mình và NhocTen thì cũng chỉ là một thằng nhóc ất ơ nào đó trên mạng vô tình lượm được chiếc rìu vàng trong giếng thần của Internet.
Tôi gục ngã với hoang mang ở tuổi 20 và lui về ở ẩn, không xuất hiện thêm lần nào nữa. Nhưng điều đó không có nghĩa là tôi ngừng sáng tác. Tôi vẫn viết những bài hát về nỗi trăn trở của bản thân, vẫn trau dồi thêm những kỹ năng âm nhạc để hoàn thiện mình hơn, để không còn bị bóng ma thành công của Cô bé mùa đông ám ảnh nữa. Tôi cảm ơn cuộc đời sinh viên đã cho mình những trải nghiệm tuyệt vời của tuổi trẻ, cho tôi vấp ngã, cho tôi nhiệt huyết để làm lại từ đầu và sau này xuất hiện với một hình ảnh đầy bản sắc hơn.
Quả chò nâu ngày nào nay đã rơi xuống đất, như tôi đã quyết tâm từ bỏ thành công đầu đời của mình. Nhưng tôi sẽ không trở thành một quả chò nâu khô héo trên nền đất lạnh lẽo. Tôi sẽ là một cây chò nâu to lớn để sản sinh ra hàng nghìn quả chò nâu xoay vòng lấp lánh khác.
Phần 1, Phần 2, còn tiếp...
(Trích tự truyện 1987, nhiều tác giả)
Phạm Toàn Thắng sinh năm 1987 ở TP HCM. Anh là tác giả nhiều ca khúc nổi tiếng như Cô bé mùa đông, Chạy mưa, Dấu mưa, Chuyện của mùa đông, Bốn chữ lắm, Trái Đất tròn không gì là không thể, Tháng tư là lời nói dối của em... Anh từng hợp tác với Thủy Tiên, Hà Anh Tuấn, Trung Quân Idol, Soobin Hoàng Sơn...
Sách 1987 tập hợp những trải nghiệm của các tác giả sinh năm 1987 như Ngô Phương Lan, người mẫu Elly Trần, ca sĩ Lê Cát Trọng Lý...
Sources: Vnexpress |