Ngày Đăng: 30 Tháng 07 Năm 2016 Ca khúc "Cô gái Sầm Nưa" sẽ được nhạc sĩ thể hiện cùng Tùng Dương trong chương trình "Giai điệu tự hào" tháng 7.
Chương trình Giai điệu tự hào trở lại trong tháng 7 với chủ đề "Chiều biên giới". Nhạc sĩ Trần Tiến sẽ thể hiện ca khúc Cô gái Sầm Nưa do chính ông sáng tác.
Cô gái Sầm Nưa được Trần Tiến viết năm 19 tuổi, khi theo nhạc sĩ Đỗ Nhuận sang Lào. Nhạc sĩ kể khi đó họ ở chiến trường C, trong một cái hang dưới chân núi Phu Then, đi hát và biểu diễn khắp các chiến trường. Cô gái Sầm Nưa lấy cảm hứng từ công chúa Lào - con gái của gia đình Hoàng thân Souphanouvong mà ông gặp trong thời gian ở đây.
Trần Tiến chia sẻ đó là một cô gái rất đẹp, hơn ông khoảng hai, ba tuổi. Vì thích bài hát mà công chúa đã đặt tên cho ông bằng tiếng Lào là Xổm Bun. "Xổm Bum có nghĩa là người được hạnh phúc vĩnh viễn", nhạc sĩ kể.
Ngoài màn song ca cùng Tùng Dương, Trần Tiến sẽ hát một đoạn bằng tiếng Lào để nhớ về mối duyên đặc biệt với công chúa nước bạn.
| Nhạc sĩ Trần Tiến trong chương trình "Giai điệu tự hào". |
Chương trình phát sóng tối 30/7 có cấu trúc ba phần: Biên giới hùng vĩ, Tình người biên giới và Chắc tay súng biên cương.
"Biên giới hùng vĩ" nhấn vào hình ảnh Lũng Cú - vùng đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc. Tiết mục Chiều biên giới qua sự thể hiện của NSƯT Hà Vy và nghệ sĩ Thục Hiền sẽ là điểm nhấn của phần này. Để phục vụ cho tiết mục, hai nghệ sĩ cùng êkíp đã vượt hơn 1.000 km trong ba ngày và thực hiện những cảnh quay ấn tượng trên cột cờ Lũng Cú.
Phần hai "Tình người biên giới" với điểm nhấn là tình cảm của nhân dân Việt - Lào trên dải biên dài khoảng 2.340 km giữa hai nước.
Phần ba "Chắc tay súng giữ biên cương" sẽ tưởng nhớ những người anh hùng đã nằm xuống để bảo vệ biên giới Tổ quốc. Khi thực hiện chương trình này, êkíp Giai điệu tự hào cùng nhiều nghệ sĩ đã quay trở về nghĩa trang Vị Xuyên, Hà Giang thăm những người chiến sĩ nằm xuống nơi đây. Nhạc sĩ Trương Quý Hải sẽ thể hiện ca khúc Lên núi cùng các cựu chiến binh có mặt tại trường quay.
Giai điệu tự hào tôn vinh những bài ca đi cùng năm tháng của dân tộc với những tìm tòi, sáng tạo mới trong cách thể hiện.
Di Ca
Sources: vnexpress |