Ngày Đăng: 11 Tháng 06 Năm 2013
Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.
Tôi sinh ra vào lúc 11 giờ 15 ngày 30/10/1954, sau ngày Giải phóng Thủ đô tròn 20 ngày. Nếu như không phải sinh ra vào những ngày này, có lẽ số phận của tôi cũng đã thay đổi, cả gia đình chắc cũng thay đổi. Do vậy, tôi luôn tin vào định mệnh. Có những sự kiện xảy ra trong cuộc đời tôi sau này, dù đã cưỡng lại, nhưng tôi vẫn đành chấp nhận, coi như đó cũng là những trắc trở của số phận mình. Ông Trời chẳng cho ai được hưởng sự toàn vẹn. Cho người ta hạnh phúc bên tay phải, thì cũng mang lại bất hạnh bên tay trái mà thôi.
| Nghệ sĩ Ái Liên - giai nhân xứ Bắc một thời. |
Má tôi là nghệ sĩ Ái Liên nổi danh và nức tiếng toàn miền Bắc thời ấy, cả về nhan sắc và tài nghệ. Bà ngoại tôi chỉ có mình má, do vậy, bao nhiêu yêu thương và chăm sóc, bà dành hết cho con gái yêu của mình. Bà ngoại tôi tên Trần Thị Sinh, kết hôn với ông ngoại là Thái Đình Lan. Vì ông ngoại tôi quá mê hát cô đầu, nên cuộc sống gia đình lục đục. Ông bà không tìm được hạnh phúc bên nhau nên đành chia tay. Kết thúc cuộc hôn nhân đầu, bà ngoại tìm được lương duyên mới, đó là ông Lê Văn Thuyết - một nhiếp ảnh gia và cũng là đầu bếp trên tàu Amiral Latouche Tréville...
Má tôi, từ họ tên Thái Thị Ái Liên, khi có cha dượng, đã được bà ngoại tôi đổi sang họ Lê, nên mang tên mới: Lê Thị Ái Liên. Bà ngoại sinh má tôi tại ngõ Nghè, Hải Phòng, nhưng sau khi có gia đình mới, ông bà ngoại đã sang Hong Kong lập nghiệp. Nhờ vậy, má tôi thông thạo tiếng Quảng Đông, tiếng Pháp và tiếng Anh.
Bà ngoại tôi là người nấu ăn giỏi, tất cả các món ăn phương Tây và của người Hoa nên công việc của ông bà tại Hong Kong rất phát đạt. Trở về Việt Nam sau một thời gian sinh sống xứ người, ông Thuyết đột ngột qua đời. Bà ngoại một thân một mình đưa má tôi từ Hải Phòng lên Hà Nội mưu sinh. Năm má tôi 16 tuổi, có cuộc thi người đẹp Bắc kỳ, kiểu như thi hoa hậu hiện nay, má tôi đăng ký tham gia và đoạt giải cao nhất. Từ đó, má lừng danh. Cái tên Ái Liên trở thành niềm đam mê của nhiều chàng trai si tình. Má vừa đẹp, lại hát hay, lại chơi được đàn măng-đô-lin, piano và đàn nguyệt, lại đánh trống nữa, hỏi ai mà không mê. Má tôi thừa hưởng gen nghệ thuật của bà ngoại, của các thành viên bên ngoại như ông cậu Canh Thân, bà dì Lượng và bà dì Lan Phương. Ngày nhỏ, ngay tại ngõ Nghè, Hải Phòng, ban nhạc Đồng Ấu của gia đình đã được ra đời. Và má tôi, dù bé tí xíu nhưng cũng là thành viên rất oách trong ban nhạc này.
Ngày đó, hình ảnh Ái Liên trong bộ áo đuôi tôm trắng, mũ ống trắng, tay cầm can trắng nhảy cracket điệu nghệ trong các bài hát nước ngoài lời Việt đã trở thành biểu tượng âm nhạc những năm 30-40 thế kỷ trước. Má tôi cũng là người đi đầu và khởi xướng các trào lưu thời trang lúc đó bằng các mode áo dài mà má mặc hàng ngày. Báo chí săn đón chụp hình khiến hình ảnh của má tôi mỗi ngày mỗi rực rỡ. Việc quản lý và hướng dẫn má tôi do bà ngoại đảm nhiệm, giống như bầu show hiện nay. Bà đưa ra cho má một lịch sinh hoạt khá chuyên nghiệp: đúng 12 giờ trưa ăn cơm, 17 giờ ăn nhẹ và sau khi đi diễn về mới ăn uống hoành tráng và linh đình.
| Ca sĩ Ái Vân (trái) bên em gái Ái Xuân thời bé. |
Vì nổi danh đến thế, nên “cô Ái Liên” đã trở thành niềm mơ ước của các chàng trai cả Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ. Nhiều công tử sáng giá tới gặp bà ngoại tôi để xin cưới má về làm vợ. Trong số các chàng trai hào hoa thời đó, ba tôi, ông Hà Quang Định lại là người ít ưu điểm nhất so với các đối thủ. Thế yếu “to đùng” của ông là đã trải qua một đời vợ và có ba người con. Bà vợ đầu của ông sau khi sinh đứa con thứ ba đã bị hậu sản mà mất sớm. Để bù lại khuyết điểm đó, thì ba tôi là con trai gốc Hà thành, rất lãng tử và đẹp trai. Lúc theo đuổi má tôi, ông đang lập nghiệp tại Sài Gòn với nghề buôn bán xe hơi. Để chiếm được trái tim người đẹp, mỗi tháng, ba tôi đều gửi từ Sài Gòn ra Hà Nội cho má một hộp quà tặng các đồ mỹ ký: dây chuyền, nhẫn, bông tai, và các loại trang sức để lên sân khấu.
Thời ấy, Hà Nội còn lạc hậu, việc đi lại Nam - Bắc không hề dễ dàng, thế nên, những hộp quà tặng trang sức dù không phải đồ thật nhưng độc đáo của chàng trai goá vợ đã tạo được ấn tượng tốt. Trong khi đó, các chàng trai con nhà trâm anh thế phiệt tới xin cưới má thì lại mang rất nhiều tiền vàng thật sự. Có một công tử từ Trung kỳ đi cùng mẹ ra Hà Nội để xin cưới Ái Liên đã mang cả tráp vàng bạc đá quý. Khi má tôi nói không chịu lấy, bèn ra Hồ Tây tự vẫn. Nhưng khi công tử nhảy xuống hồ rồi, không thấy có ai để ý tới mà vớt lên, công tử tiếc đời nên… đành bơi lại vào bờ.
| Ca sĩ Ái Vân. |
Để chọn rể quý, bà ngoại tôi quyết định mở một cuộc họp gia đình. Nhiều ý kiến được đưa ra. Cuối cùng, bà ngoại đã chọn ba tôi vì “anh Định dù đã có vợ con, nhưng vì không chỉ yêu Ái Liên mà yêu luôn cả nghề ca hát thì sau này sẽ thông cảm và nâng đỡ cho sự nghiệp của vợ”.
Có được người đẹp trong mộng, khỏi phải nói ba tôi đã mừng rỡ thế nào. Đám cưới của ba má tôi được tổ chức linh đình tại Sài Gòn. Y phục cưới của ba và má rất đẹp và sang trọng theo phong cách châu Âu. Một vài công tử đã thất bại trong việc xin cưới má tôi bèn đánh tiếng đe doạ và phá đám. Vì thế tại đám cưới, ba tôi đã thuê một dàn vệ sĩ để bảo vệ. Tôi không biết việc doạ nạt này có thật không, hay cũng có khi là một cách để ba tôi… PR cũng chưa biết chừng.
Sources: giadinh |