Hoàng Quý (1920 - 1946), nhạc sĩ tiền chiến nổi tiếng, là một trong những gương mặt tiên phong của tân nhạc Việt Nam. Ông là tác giả của nhạc phẩm Cô láng giềng bất hủ.
Hoàng Quý sinh năm 1920 tại Hải Phòng, ông là anh trai của Hoàng Phú, tức nhạc sĩ Tô Vũ. Theo Phạm Duy, Hoàng Quý từng là học trò của Lê Thương tại trường Trung học Lê Lợi ở Hải Phòng vào cuối thập niên 1930. Hoàng Quý theo học nữ giáo sư âm nhạc Leperète dạy nhạc ở các trường trung học ở Hải Phòng. Nhờ có năng khiếu và ham học, Hoàng Quý tiếp thu âm nhạc khá tốt, chỉ một thời gian sau trở thành giáo viên dạy nhạc của trường Bonnal.
Và vào năm 1939, đúng lúc phong trào Nhạc cải cách vừa ra đời, cùng với các ca nhạc sĩ tài tử ở đất Cảng lúc đó là Phạm Ngữ, Canh Thân và em trai Hoàng Phú, Hoàng Quý là người đầu tiên trình diễn nhạc Lê Thương tại Nhà Hát Lớn Hải Phòng.
Suốt trong một thời gian từ năm 1943 cho tới 1945, Hoàng Quý đã quy tụ được một số bạn bè như Phạm Ngữ, Đỗ Nhuận, Lưu Hữu Phước, Văn Cao, và Hoàng Phú lập thành nhóm Đồng Vọng cùng nhau sáng tác. Nhóm Đồng Vọng được nhà xuất bản Lửa Hồng rồi tạp chí Tri Tân ở Hà Nội giúp đỡ. Lửa Hồng đã ấn hành 12 tập nhạc, mỗi tập có từ 8 đến 12 bài như các tập: Bên sông Bạch Đằng, Nước non Lam Sơn, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nắng tươi, Chiều quê của Hoàng Quý, Về đồng quê của Văn Cao, Ngày xưa của Hoàng Phú... Tổng cộng Đồng Vọng đã sáng tác và ấn hành khoảng trên 60 ca khúc chủ yếu theo xu hướng nhạc hùng có nội dung ca ngợi đất nước, ca ngợi truyền thống anh hùng của dân tộc. Riêng về phần Hoàng Quý, đã soạn ra những bài ca giá tri như Trên sông Bạch Đằng, Gọi bạn lên đường, Tiếng chim gọi đàn, Bóng cờ lau, Nước non Lam Sơn, Lời vọng ngàn xưa, Dưới bóng thông xanh, Chiều xuân, Nắng tươi...
Trước khi trở thành người soạn nhạc tiền đạo của xu hướng nhạc hùng, Hoàng Quý cũng đã đi vào lãnh vực nhạc tình, với những bài nhạc tình yêu như Tú Uyên, hay những bài nhạc tình quê như Chiều quê, Đêm trăng trên vịnh Hạ Long, Chùa Hương... mà nổi tiếng hơn cả là ca khúc bất hủ Cô láng giềng.
Cô láng giềng ra đời khoảng năm 1942-1943. Lúc đó Hoàng Quý rời Hải Phòng lên Sơn Tây để đến làm thư ký cho một trang trại nuôi bò. Chuyến ra đi đó ông đã phải chia tay với "bóng hồng" của mình. Khoảng 6 tháng sau, ông không làm việc ở Sơn Tây nữa và trước khi trở về Hải Phòng ông ghé thăm người em Hoàng Phú đang ở tại Hà Nội. Chính trong dịp này nhạc sĩ Hoàng Quý đã cho người em mình xem bài hát Cô láng giềng của ông.
Hoàng Quý tham gia Việt Minh sớm, trong cao trào kháng Nhật cứu nước, nhà Hoàng Quý là cơ sở của một số người Việt Minh hoạt động bí mật ở Kiến An, Hải Phòng. Tháng 5 1944 Hoàng Quý viết bài Cảm tử quân, Sa trường hành khúc và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 10 1945, Tiếng gọi non sông ra đời, mặc dù lúc này sức khỏe đã giảm sút nhiều. Đầu năm 1946, bệnh tình của ông ngày một nặng, nhưng Hoàng Quý vẫn tham gia các cuộc biểu tình, mít tinh ủng hộ chính phủ Hồ Chí Minh, phản đối Việt Quốc, Việt Cách.
Hoàng Quý qua đời ngày 26 tháng 6 1946 vì một chứng bệnh nan y tại Hải Phòng, lúc 26 tuổi, khi tài năng của ông đang độ phát triển.